Chàng trai cho ra đời những sản phẩm độc, lạ

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
19/03/2022 10:18 GMT+7

Mỗi chiếc hộp gỗ đựng nhẫn cầu hôn được Việt tỉ mẩn trau chuốt từng đường nét, sơn phết màu đẹp đẽ trở thành những sản phẩm độc, lạ được bán với giá từ 500.000 đồng đến gần 3.000.000 đồng. Việt đã bán được gần 1.000 sản phẩm…

Làm ra sản phẩm có thể bán… khắp thế giới

Cuối 2017, lúc đấy Nguyễn Quốc Việt (25 tuổi, Lâm Đồng) đang theo học năm 3 tại Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thì Việt được nhận vào thực tập ở xưởng gỗ chuyên về đồ gỗ nội thất của một người thầy trong trường.

Nam sinh thấy ở xưởng của thầy có rất nhiều sản phẩm, nhưng đều là hàng thông dụng nên cậu muốn làm ra một cái gì đó mở mẻ hơn. Thế là Việt và người bạn nữa là Nguyễn Tấn Đạt (học chuyên ngành kiến trúc, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đã cùng nhau quyết định khởi nghiệp bằng những sản phẩm khắc bằng công nghệ lazer như đèn ngủ, quà kỷ niệm khắc 3D…

Nhưng làm một thời gian thấy những sản phẩm này cũng khá phổ biến, không có được đặc trưng riêng, nên cả hai tìm kiếm ý tưởng mới sao cho sản phẩm thể hiện được sự tinh tế, nét đẹp riêng của gỗ.

Hộp đựng nhẫn hình con sò được làm từng nét bằng tay, thiết kế đèn phát sáng nhỏ bên trong - một trong những sản phẩm đặc biệt của Việt và Đạt

NVCC

Vì đam mê màu sắc tự nhiên, thân thiện của gỗ Việt kỳ vọng hướng tới sản phẩm cầm trên tay và người dùng có thể cảm nhận được độ tinh tế cũng như vẻ đẹp của gỗ… Vắt óc tìm kiếm và suy nghĩ, cuối cùng Việt quyết định đi theo một “ngách” riêng, đó là nhắm đến những chiếc hộp đựng nhẫn bằng gỗ, mỗi sản phẩm nhỏ vừa cầm tay, được tỉ mỉ tạo nét, gia công bằng tay…

Và đối tượng cậu nhắm đến là những cặp đôi yêu nhau, dùng hộp để đựng nhẫn đính hôn, lễ cưới hoặc tặng cho nhau.

Ủng hộ ý tưởng táo bạo này, Nguyễn Tấn Đạt cùng bắt tay làm chung. Thế nhưng cả hai mất một thời gian trầy trật để có thể làm ra những sản phẩm đầu tiên. Trong khi Việt là người đưa ra ý tưởng, thiết kế và gia công cho từng sản phẩm thì Đạt phụ trách khâu thương mại hóa, tìm kiếm khách hàng.

“Những sản phẩm đầu tiên của bọn mình cách đây 4 năm nhìn rất thô và gần như không thể nào bán được cho khách hàng trong nước. Lúc đó Đạt đã đưa ra ý tưởng hay bán thử trên trang thương mại điện tử quốc tế, cả hai đánh liều làm thử và may mắn ý tưởng này được một số khách hàng ưa chuộng đồ thiết kế và làm thủ công nên tụi mình bán được những sản phẩm đầu tiên, cho khách hàng nước ngoài”, Việt nhớ lại.

Theo đuổi ngành này, hai chàng trai cho biết phải không ngừng sáng tạo, luôn thay đổi mẫu mã mới cạnh tranh được

NVCC

Dù vậy, những sản phẩm đầu ấy khách hàng mua chủ yếu vì ủng hộ ý tưởng kinh doanh bằng đồ gỗ được làm tỉ mẩn bằng tay. Cả Việt và Đạt hiểu rằng nếu không thể làm đẹp hơn, tiện ích hơn thì sớm sẽ hết khách ủng hộ.

Từ những chiếc hộp đơn giản hình vuông, hình chữ nhật ban đầu Việt dần dần mềm mại hóa các sản phẩm của mình ra nhiều hình dáng, kiểu mẫu khác như như hình con sò, hình viên kim cương, tam giác… Trên các trang thương mại điện tử, cửa hàng của cậu ngày càng thu hút được nhiều khách hàng và nhận được những phản hồi động viên, tích cực.

Nhưng thị trường cạnh tranh theo Việt cũng rất khốc liệt, vì bán trên các trang thương mại điện tử quốc tế có rất nhiều mẫu hàng sản xuất công nghiệp, kiểu dáng đẹp đến từ rất nhiều nước. Do đó, mỗi sản phẩm nam thanh niên đều phải tỉ mỉ gia công bằng tay, làm kỹ từng phết sơn, điêu khắc thêm các chi tiết độc lạ để tạo ra được đặc trưng riêng của mình.

“Phải sáng tạo mẫu liên tục, việc tìm ra các ý tưởng mới gần như là tiêu chí tiên quyết để các sản phẩm của mình có thể tồn tại. Do vậy, ngoài kiểu dáng tụi mình bắt đầu tính đến các tính năng của nó”, Việt chia sẻ.

Cả hai mất hơn 3 tháng để mày mò, tìm cách tiện nghi hóa sản phẩm bằng cách thiết kế thêm chiếc đèn siêu nhỏ trong mỗi hộp nhẫn, ngoài việc tạo ánh sáng để chiếc nhẫn trở nên long lanh hơn thì người dùng có thể dùng nó trong bóng tối. Đèn trong hộp đựng nhẫn sẽ hoạt động như nguyên lý của công tắc tủ lạnh, mở ra thì sáng đóng lại thì tắt.

Ý tưởng là thế nhưng Việt cho biết để làm được điều này cả hai phải tính toán đến độ an toàn, vì sản phẩm chuyển đi chủ yếu bằng bưu phẩm đường hàng không, một số loại pin bị cấm vận chuyển. Việt phải thử nhiều loại pin vừa chiếm diện tích nhỏ lại có độ bền khi phát sáng. Sau nhiều lần thử, 2 chàng thanh niên đã chọn ra được loại phù hợp.

“Khi kiếm được pin và bóng đèn cực nhỏ thì tụi mình tiếp tục thiết kế đường dẫn, sao cho dây nằm sâu bên dưới không bị lộ ra ngoài để đảm bảo tính thẩm mỹ. Dây được dính chặt bằng keo để không bị đứt hay rơi ra. Và sau hơn 3 tháng mày mò tụi mình chính thức làm ra được những hộp nhẫn vừa nhỏ xinh, vừa có đèn phát sáng, thậm chí nhẫn có thể xoay tròn trong hộp”, Việt tự hào kể.

Nguyễn Quốc Việt, chàng sinh viên quyết 'khởi nghiệp' khi còn là sinh viên năm 3

NGUYỄN LOAN

Ôm hy vọng bán được cho khách hàng trong nước

Hiện sản phẩm của Việt và Đạt đã có chỗ đứng riêng trên trang thương mại điện tử quốc tế. Cả hai tự hào khoe bán được cho khách hàng ở khắp thế giới như Nga, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Ý, Congo, Hàn Quốc…

Nhưng cũng vì vậy, cậu cho biết không ít lần phải “thót tim”, đền tiền cho khách vì quá trình vận chuyển gặp trục trặc, có khi vì gặp đợt tuyết lớn sản phẩm đến tay khách hàng thì đã quá ngày quan trọng của họ… Những tình huống này cậu luôn chấp nhận xin lỗi và hoàn tiền cho khách. Shop của cậu vì thế luôn nhận được những phản hồi tích cực từ khách.

Dù đã bán được gần 1.000 sản phẩm cho khách hàng ở nhiều nước nhưng trăn trở lớn nhất của hai chàng trai lại chính là thị trường trong nước. Cậu cho biết dù mẫu mã bắt mắt, khá độc đáo nhưng lại rất khó bán cho khách hàng trong nước vì nhu cầu ở Việt Nam với dạng sản phẩm này không nhiều.

Mỗi thiết kế đều có kiểu dáng riêng và với chất liệu chính là gỗ, làm bằng tay chính là thế mạnh của hai chàng trai này

NVCC

Dù vậy, Việt cho biết nếu bán trong nước giá sản phẩm sẽ thấp hơn rất nhiều do không phải bù chi phí vận chuyển. Do vậy, thời gian tới Việt cho biết sẽ cố gắng làm ra những sảm phẩm ở mức giá thấp hơn, mẫu mã đa dạng hơn để ôm hy vọng có thể phát triển được ở thị trường trong nước.

4 năm phát triển dòng sản phẩm này Việt đã bán được gần 1.000 sản phẩm, ngoài ra để “lấy ngắn nuôi dài” cả hai còn nhận thiết kế, làm rất nhiều sản phẩm khác như hộp đựng đồ kỷ niệm, bìa sách, hộp đựng cà phê, tách… Nhiều sản phẩm khác làm theo yêu cầu đặt hàng của khách.

Cũng trong 4 năm, từ việc làm nhờ ở xưởng gỗ của trường hiện Việt đã mở ra được xưởng riêng của mình, sắm được những máy móc, thiết bị cần thiết…

“Thành công lớn nhất của tụi mình chính là theo đuổi và được làm công việc bản thân cảm thấy ham thích. Nhìn mỗi sản phẩm do chính mình trau chuốt, làm ra và khách hàng hài lòng là niềm vui lớn lao nhất”, Việt nói và cho biết, cả hai sẽ cố gắng để xây dựng được cho mình một lối đi riêng với dòng sản phẩm độc, lạ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.