Chàng trai khuyết tật đi lên từ những thất bại

22/11/2021 07:05 GMT+7

Không đầu hàng số phận nghèo khó và khuyết tật, anh Võ Văn Nên (37 tuổi, ngụ TT.Cây Dương, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) nỗ lực vươn lên sống có ích cho cộng đồng.

Anh Nên kể cha mẹ anh có 6 người con, ai sinh ra cũng lành lặn, chỉ anh thiếu may mắn. Bẩm sinh, di chứng chất độc da cam khiến đôi chân anh teo tóp không thể đi lại.

Năm 15 tuổi, anh Nên lên TP.HCM tham gia một lớp dạy nghề cơ điện, sau đó về quê mượn vốn mở một cửa hàng nhỏ, có thu nhập khá hơn nhưng cũng bấp bênh. Thấy anh khuyết tật nhưng chịu khó làm ăn, một người bạn mách nước đi học sửa xe miễn phí. Vì muốn vượt lên nghịch cảnh, anh Nên đã không bỏ lỡ cơ hội này.

Anh Nên khởi nghiệp với mô hình nuôi ba ba

Thanh Duy

Số phận không cho anh Nên một cơ thể lành lặn, nhưng trui rèn cho anh một nghị lực kiên cường. Ngoài sửa xe, sửa đồ điện dân dụng, anh Nên còn nỗ lực thực hiện mô hình khởi nghiệp như nuôi cá diêu hồng, nuôi gà. Thành công cũng có, thất bại cũng có, nhưng anh chưa bao giờ buông bỏ ước mơ tìm đường thoát nghèo. Gần đây nhất, anh vay hơn 40 triệu đồng để nuôi heo, nhưng vì dịch bệnh, đàn heo thua lỗ, tiền vay mượn anh chưa trả dứt.

Hiện tại, anh Nên đang thử sức nuôi bể lươn và hơn 4.500 con ba ba. Anh không ngừng nỗ lực để lấy công làm lời. Trên xuồng ba lá, anh thả dọc trên con sông, cánh đồng gần nhà để bắt ốc, giăng lưới, cắm câu tìm cá mồi. Vì khuyết tật, công việc chăn nuôi trở nên rất khó khăn đối với anh. Những ngày qua, nước nổi dâng rồi rút, hình ảnh anh Nên vất vả lê trên đoạn đường bết bùn ra bể nuôi khiến nhiều người khâm phục nghị lực vượt khó của anh.

Anh Nên hiện là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam - người khuyết tật - trẻ mồ côi H.Phụng Hiệp. Điều đáng trân trọng là dù nghèo nhưng anh vẫn hay giúp đỡ người khổ hơn mình.

Anh Nên cho biết đầu năm 2020, một lần tham gia họp mặt với bà con cùng cảnh ngộ trong huyện, anh rất xúc động vì thấy nhiều mảnh đời còn thiệt thòi hơn mình. Cảm thông điều đó, anh nghĩ ra ý tưởng quyên góp và mua xe đạp, xe lăn cũ về sửa chữa, sơn mới tặng cho bà con khuyết tật, thiếu nhi nghèo có nhu cầu. Ý tưởng tốt đẹp này được hội nhiệt tình ủng hộ.

“Nhiều người nói tôi nghèo rớt mồng tơi mà làm chuyện bao đồng. Tôi thì nghĩ đơn giản là lá rách ít đùm lá rách nhiều. Tôi có nghề đã là may mắn. Nhiều bà con khuyết tật đâu có nghề mưu sinh. Họ muốn đi bán vé số nhưng cũng không mua nổi xe lăn. Lúc đầu, lời ra tiếng vào khiến tôi rất buồn, nhưng sau đó nhủ rằng ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Bởi vì công việc này có ích cho cộng đồng, lại khiến mình vui vẻ nữa”, anh Nên bày tỏ.

Ông Trương Tấn Hoằng, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam - người khuyết tật - trẻ mồ côi H.Phụng Hiệp, chia sẻ: “Anh Nên có chí cầu tiến làm ăn, muốn tự lập để vượt lên chính mình. Vì lối sống đẹp đó, anh là tấm gương truyền cảm hứng tích cực cho nhiều hoàn cảnh kém may mắn khác”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.