Anh Diệu sinh ra mang trong mình những căn bệnh lạ - thoái hóa đốt sống, xương chân rạn nứt, viêm xoang mạn tính, viêm tai giữa, viêm đại tràng cấp. Dù năm nay đã 31 tuổi nhưng biến chứng của chất độc màu da cam khiến những bước chân của anh xiêu vẹo như một đứa trẻ vừa lên 3, giao tiếp thì vô cùng khó khăn. Mặc dù vậy, anh Diệu chưa từng xem đó là một sự bất hạnh. Ngược lại, anh chấp nhận nó để càng thêm trân trọng những nỗ lực của bản thân và làm nên những điều kỳ diệu từ chính đôi bàn chân của mình.
Nếu đi không vững thì mình... chạy
Gia đình khó khăn, lại đông anh chị em nên ngay từ rất sớm anh đã ý thức rõ “mình phải làm một điều gì đó để thay đổi tương lai và đỡ đần cho bố mẹ”. Anh không nhìn bản thân ở những khiếm khuyết, bất hảo, thay vào đó anh nhìn vào những phần lành lặn để tiếp tục lạc quan sống “mình còn cái gì thì sẽ lao động bằng cái đó, đôi chân này tuy xiêu vẹo nhưng vẫn còn bước đi được, vậy thì mình phải đi”.
Năm 15 tuổi, vượt qua những mặc cảm tự ti, anh quyết định đi tìm cho mình những cơ hội mới. Sau nhiều năm bôn ba ở Hà Nội rồi đến Sài Gòn, trải qua đủ loại công việc, may mắn cuối cùng đã mỉm cười. Anh được giới thiệu vào Đoàn Thể thao Người Khuyết tật TP.HCM. Những ngày đầu chưa quen với cường độ luyện tập, hai bàn chân đau buốt, lại không được ăn uống đầy đủ nhưng anh chưa từng bỏ cuộc mà luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa.
|
Và sau những ngày tháng gian nan là lúc hái quả ngọt. Từ năm 2006 đến 2016, anh đạt 5 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 10 huy chương đồng tại các đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc. Niềm đam mê điền kinh đã giúp anh tìm thấy bản thân và khẳng định giá trị của mình.
Vẫn sẽ chạy trên đường băng cuộc đời
Với những thành tích đạt được, anh Diệu được Trường đại học dân lập Văn Lang tuyển vào học thiết kế và in ấn. Sau ba năm chăm chỉ học tập, anh ra trường để bắt đầu một “đường chạy” mới - có thể dài và gian nan hơn điền kinh rất nhiều.
Thế nhưng trong một năm dài sau khi ra trường, anh không xin được việc. Thời điểm đó, anh phải đạp xe ròng rã từ nơi này sang nơi khác chỉ để mua từng tờ báo, tìm từng thông tin về những nơi đang tuyển việc. Tài chính khó khăn, nhiều lúc anh chẳng dám ăn, tiết kiệm từng đồng cho những cuộc điện thoại xin phỏng vấn.
Xã hội đã đáp lại ước mơ hóa nhập của anh bằng vô số những cái lắc đầu. Anh bị từ chối nhiều đến nỗi đôi lúc anh đã từng nghĩ, với một người khuyết tật như mình việc sống tốt và sống có giá trị ngay từ đầu đã là một điều quá xa xỉ. Một năm anh dày vò bản thân trong sự chán nản, mặc cảm và gần như muốn buông xuôi tất cả.
|
Nhưng chính lúc tự nhìn lại hành trình của bản thân, những thành công cũng như thất bại đã tiếp cho anh sự tích cực để thúc mình bước tiếp. “Có lẽ vì biết đi chậm hơn người ta nên bây giờ cuộc đời bắt mình phải chạy. Mình đã chạy đủ xa để không thể dừng lại lúc này. Cánh cửa này đóng là để cánh cửa khác mở ra”, anh Diệu tâm sự.
Anh lại “chạy” để tìm kiếm cho mình những cơ hội mới, chỗ nào cần người anh liền liên hệ, nộp hồ sơ, xin phỏng vấn. Nguồn năng lượng tích cực đã không cho phép anh được từ bỏ. Cuối cùng, anh tìm được việc tại một cơ sở in ấn tại Bình Thạnh. Chính niềm tin và nguồn năng lượng tích cực đã giúp anh không chỉ đứng lên được, bắt đầu bước đi, mà còn biết chạy và chạy rất xa.
Nhờ năng lượng tích cực mới có mình của ngày hôm nay
Việc nhìn lại chặng đường dài đã trải qua cho anh động lực không ngừng trau dồi bản thân và cống hiến hết mình trong công việc. Sau nhiều năm lăn lộn tại Sài Gòn, anh quyết định trở về Hà Tĩnh, và mở một cơ sở thiết kế - in ấn của riêng mình để tạo công ăn việc làm cho những người đồng cảnh ngộ tại quê nhà. Từ xuất phát điểm là chàng trai khuyết tật bước đi còn không vững, anh nỗ lực đi tìm giá trị của bản thân để bây giờ có cơ hội đóng góp những giá trị ấy.
|
“Cuộc đời đã lấy đi của mình nhiều thứ nhưng cũng đã cho mình rất nhiều thứ, là tình yêu thương, sự giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái” - Hành trình anh đã đi qua và bây giờ nhìn lại đã tiếp thêm cho anh nguồn năng lượng tích cực để anh thực hiện các chương trình thiện nguyện, công tác cứu trợ đồng bào khó khăn tại quê hương của mình. Tuy không nhiều nhưng anh đã làm bằng tất cả những gì mình có.
Dù không sở hữu một đôi chân lành lặn nhưng anh đã chạy xa hơn bất kỳ ai. Tuy không thể giao tiếp một cách trôi chảy nhưng anh đã truyền đi nguồn năng lượng tích cực mạnh mẽ hơn bất kì cá nhân nào. “Mình đâu cần đợi những ngày tồi tệ để được phép tích cực. Suy nghĩ lạc quan sẽ giúp chúng ta tìm thấy niềm vui và sự bình an từ chính những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hằng ngày”.
Giờ đây, sau những tháng ngày “chạy” không mệt mỏi, anh Diệu cũng đã tìm được đích đến hạnh phúc của đời mình khi xây dựng được một mái ấm trọn vẹn, nơi đó có vợ, đứa con vừa chào đời và một cơ sở làm ăn ổn định. Hành trình xây dựng tổ ấm ấy, với những người bình thường, có thể là một điều hiển nhiên. Nhưng với anh, nó giống như một điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu đến từ những nỗ lực không ngừng với tinh thần tích cực, lạc quan sống, nơi mỗi lần nhìn lại anh càng thôi thúc mình kiến tạo một tương lai trọn vẹn hơn.
Câu chuyện đầy cảm hứng của anh Xuân Diệu cũng đại diện cho thông điệp nhân văn mà Red Bull muốn truyền tải đến cộng đồng. Khó khăn hay tốt đẹp, chúng đều góp phần định nghĩa hành trình của mỗi người. Việc nhìn lại chặng đường của bản thân sẽ là đòn bẩy khơi dậy nguồn năng lượng tích cực giúp chúng ta trở thành những chiến binh mạnh mẽ, vững bước chiến đấu trên con đường thay đổi số phận đầy gian nan mà tương lai đang đón chờ.
Bình luận (0)