'Trẻ em vùng tị nạn rất khó xin việc. Các kỹ năng được xem và học từ những nghệ sĩ đường phố có thể giúp các em phát triển thành nghề nuôi sống bản thân khi lớn lên', dancer Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn và các em nhỏ tại vùng biên giới Myanmar và Thái Lan - Ảnh: NVCC |
Dancer Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1989) sống tại Hà Nội nhưng đã có nhiều năm gắn bó với "gánh xiếc rong" mang niềm vui đến cho trẻ em vùng tị nạn trên khắp Đông Nam Á. Gọi là "gánh xiếc rong" bởi nhóm quy tụ nhiều nghệ sĩ đường phố đến từ khắp nơi trên thế giới, họ rong ruổi khắp các tỉnh vùng biên để trình diễn các tiết mục nghệ thuật, phục vụ đời sống tinh thần các em nhỏ.
Hip hop cũng là môn "văn hóa"
Lần thứ 3 ghi tên mình vào hoạt động cộng đồng ý nghĩa này, Anh Tuấn và các đồng nghiệp trong tổ chức Spark Circus đặt chân đến tỉnh MaeSot, vùng biên giới Burma giữa Myanmar - Thái Lan. Khí hậu nơi đây mát lạnh đặc trưng vùng cao, người dân sống bằng nghề trồng trọt, canh tác trên nương rẫy. Trẻ em được đến trường nhưng không có chỗ chơi, không biết nhiều về cuộc sống bên ngoài những lán trại. Bởi vậy "gánh xiếc" đối với chúng như một thế giới đầy mầu nhiệm.
Mỗi ngày, Tuấn cùng nhóm bạn vượt qua hàng chục cây số để đến với các điểm trường, khu tị nạn. Ở mỗi điểm, đoàn sẽ diễn một chương trình chừng 40 phút, sau đó sẽ chia thành các nhóm để dạy cho các bạn nhỏ một số kỹ năng cơ bản như nhảy hiphop, múa lụa, nhào lộn, hề xiếc.
|
"Trẻ em vùng tị nạn không có giấy tờ tùy thân, chúng rất khó để đi xin việc làm. Với những kỹ năng cơ bản mà chúng tôi truyền tải, hy vọng các em có thể nắm bắt và chăm chỉ luyện tập, để biến nó thành một nghề để nuôi sống bản thân khi lớn lên", dancer 8X chia sẻ.
Nhưng đó là suy nghĩ xa xôi của người lớn. Với trẻ, hôm nay được thỏa thích xem những tiết mục biểu diễn và cười ngặt nghẽo khi học lỏm các động tác xoạc chân, uốn dẻo, phủi áo làm ngầu của "thầy cô" đã là hạnh phúc. Khó khăn là thật, nhưng niềm vui thường không có biên giới, không nhuốm màu âu lo.
Theo nhận xét của Tuấn, trẻ em nơi đây vô cùng thông minh và hiếu học. Chúng tiếp nhận cái mới rất nhanh, đặc biệt là nghệ thuật phi ngôn ngữ. Có những em từ chỗ chưa bao giờ tiếp xúc với máy tính, sau 2 ngày được Tuấn hướng dẫn đã có thể sử dụng thành thạo phần mềm DJ, đứng ra đảm nhận khâu hậu cần âm thanh ánh sáng trong một show diễn. Cũng có những học trò sáng dạ chỉ sau vài tuần tập hip hop, đã tự tin bước ra thách đấu với "thầy".
Giây phút buồn bã nhất của bọn trẻ và các nghệ sĩ trong suốt 30 ngày "gánh xiếc" đến, có lẽ là lúc cả đoàn chào tạm biệt nhau để ra về. Nhiều cô cậu bé chạy theo hỏi: "Khi nào thầy cô quay trở lại?".
Sau những chuyến đi, 8X nhận ra dạy hip hop cũng là một cách truyền tải văn hóa; bởi: "Nếu như các tổ chức nhân đạo khác dạy các em học tiếng Anh, học toán hay các bộ môn xã hội khác thì tôi lại mang đến các em 'ngôn ngữ' hip hop - một công cụ giúp trẻ tìm được niềm vui trọn vẹn hơn, trong thực tế cuộc sống muôn vàn khó khăn ở các trại tị nạn".
|
Trưởng thành từ yêu thương
Tuấn thừa nhận, tham gia các hoạt động xã hội vì cộng đồng giúp anh trưởng thành hơn từ trong suy nghĩ đến cách nhìn nhận về nghề nghiệp đang theo đuổi: "Hip hop không chỉ giúp con người rèn luyện thể chất mà còn dạy chúng ta cách sống, giao tiếp, văn hóa tôn trọng lẫn nhau. Nếu đem những điều này đến với các em nhỏ thiếu thốn tình cảm, khó khăn, giúp chúng nhận ra giá trị cuộc sống, thì sẽ càng nhân đôi ý nghĩa môn nghệ thuật".
Trong suốt chuyến đi, Tuấn có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người bạn đến từ các nước Mỹ, Nhật, Úc, Đức, Canada, Anh, song Yahu - chành trai đảm nhận vai "thằng hề" trong "rạp xiếc", lại là người mang đến cho Tuấn nhiều ấn tượng sâu sắc.
Tuấn kể: "Anh ấy là người giàu năng lượng, luôn xem việc mang niềm vui đến cho người khác là sứ mệnh của mình. Không chỉ hăng hái giúp các em nhỏ vùng tị nạn, Yahu còn chủ động liên hệ với các bệnh viện, nhà dưỡng lão trong vùng, để mang những tiết mục biểu diễn vui vẻ đến phục vụ người già, trẻ em, phụ nữ có thai đang điều trị tại đây". Một câu nói của Yahu mà Tuấn nhớ mãi: "Nghệ sĩ là thiên sứ của trời, họ mang niềm vui đến cho người khác để thấy bản thân mình sống ý nghĩa hơn!".
|
Năm sau và những năm sau nữa, Anh Tuấn vẫn sẽ gắn bó với chương trình này. Anh đang có kế hoạch mời thêm những người bạn dancer trong nhóm gia nhập tổ chức để quy mô hoạt động ngày một mở rộng, để trẻ em vùng khó khăn có thêm nhiều cơ hội được vui chơi, học tập lành mạnh.
"Tôi hy vọng các bạn trẻ đang có đam mê hãy mạnh dạn đem khả năng của mình để phục vụ, mang lại niềm vui cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Trao đi là nhận về, trong 3 năm vừa qua tôi đã thấy mình sống vui hơn, ý nghĩa hơn bội phần", Tuấn tâm sự.
Bình luận (0)