Bịt lỗ hổng... đạo đức công vụ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/07/2020 04:19 GMT+7

Sẽ có rất nhiều lỗ hổng về pháp luật phải bịt lại để tránh tiêu cực, lãng phí trong các khoản mua sắm công.

Cục Cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an) đang tiến hành kiểm tra chênh lệch giá máy thở tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai mua để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 khi mức giá mà bệnh viện này bỏ ra cao gấp đôi so với nhiều bệnh viện với cùng loại máy, xuất xứ.
Việc kiểm tra này có lẽ không chỉ ở Gia Lai. Sau vụ việc móc ngoặc để “thổi giá” máy xét nghiệm Covid-19 lên gấp 3 nhằm “ăn chênh lệch” tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, lực lượng cảnh sát kinh tế tại các địa phương vẫn đang tiếp tục điều tra việc mua máy xét nghiệm, các gói thầu trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, theo Bộ Công an.
Việc “loạn” giá máy xét nghiệm, hay thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch ở hàng loạt địa phương cho thấy nhiều “lỗ hổng” trong việc đấu thầu, mua sắm công. Đây cũng là điều được chính lãnh đạo Bộ Công an khẳng định tại cuộc họp báo của bộ này mới đây.
Thực tế thì mua sắm công từ lâu đã được nhận diện là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực và lãng phí tiền thuế của dân chứ không phải đợi tới khi những vụ việc như ở CDC Hà Nội vừa qua được đưa ra ánh sáng. Điều người dân băn khoăn chính là với hệ thống rất nhiều quy định về đấu thầu, mua sắm công tưởng chừng rất chặt chẽ mà vẫn để những con voi như CDC Hà Nội chui lọt?
Nhiều người cho rằng việc áp dụng hình thức “chỉ định thầu rút gọn” phục vụ tình huống cấp bách của dịch bệnh mà không có cơ chế giám sát chính là kẽ hở cho những móc ngoặc để thổi giá của cán bộ các đơn vị đầu tư, mua sắm công và các doanh nghiệp cung cấp. Đó có thể là một lỗ hổng trong chính sách cần nghiên cứu.
Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống dịch bệnh cấp bách, buộc phải chỉ định thầu rút gọn, thì một khi những cán bộ được giao trách nhiệm thực hiện các gói thầu mua sắm công thực sự công tâm và có năng lực thì không thể có chuyện giá của các thiết bị bị “thổi” lên gấp 2 - 3 lần như vừa qua. Khi đặt trách nhiệm công vụ lên cao nhất, họ sẽ không để những món “lại quả”, “hoa hồng” làm mờ mắt để “đi đêm” với doanh nghiệp. Còn khi có đủ năng lực về chuyên môn, họ sẽ không để các doanh nghiệp bắt tay nhau để “hét” giá lên cao, gây thiệt hại cho nhà nước.
Do đó, lấy lý do “cấp bách” của phòng chống dịch để bao biện cho sự tư lợi hay hạn chế trong năng lực đều không thể chấp nhận được. Người ta sẽ thấy rất khôi hài khi chính những cán bộ y tế tại thủ đô lại chấp nhận mức giá cao gấp 3 lần mức giá thị trường mà doanh nghiệp đưa ra hay mức giá gấp đôi chỉ để đổi vài phần mềm gia tăng kèm theo như giải thích của lãnh đạo BV đa khoa tỉnh Gia Lai.
Sẽ có rất nhiều lỗ hổng về pháp luật phải bịt lại để tránh tiêu cực, lãng phí trong các khoản mua sắm công. Thậm chí minh bạch hóa thông tin mua sắm công, xây dựng cơ sở dữ liệu tham khảo để bất kỳ ai cũng có thể truy cập… Song, những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy, những quy định, quy trình không thể nào “bịt” được tiêu cực nếu như những cán bộ công vụ thực hiện quy trình ấy vẫn là những “lỗ hổng” cả về năng lực và trong thực thi đạo đức công vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.