Cần Giờ đến bao giờ?

26/04/2016 05:25 GMT+7

Cuối năm 1979, Thanh niên xung phong chúng tôi chính thức đổ quân lên H.Cần Giờ (khi đó gọi là H.Duyên Hải) thuộc TP.HCM, đóng quân ở ngã ba Đồng Tranh để xây dựng Nông trường Đỗ Hòa.

Cần Giờ lúc ấy còn hoang vu, thủy sản thiên nhiên phong phú, thậm chí có cả cá sấu hoang dã thỉnh thoảng bò lên bờ. Cần Giờ lúc ấy là một bức tranh sống động về môi sinh chưa bị tàn phá mặc dù được mệnh danh là “trung tâm sốt rét” vì muỗi nhiều vô số kể. Ở TP.HCM, nếu phải tìm một vùng đất “nghèo xơ nghèo xác” để quan tâm, thì đó chính là H.Cần Giờ.
Thời gian trôi qua, nhờ được chính quyền TP.HCM đầu tư hạ tầng cơ sở, H.Cần Giờ dần thay da đổi thịt, cuộc sống của cư dân địa phương được cải thiện, nhiều xã đạt danh hiệu “nông thôn mới”, nhưng éo le ở chỗ cái nghèo vẫn chưa chịu buông tha. Trong chuyến vi hành ra Cần Giờ hôm 24.4.2016, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng bày tỏ sự không hài lòng. Ông buồn vì có hơn 44% hộ dân của huyện là hộ nghèo, tỷ lệ ấy tính riêng 2 xã Thạnh An và An Thới Đông là hơn 60%. Không bàn cãi gì nữa, Cần Giờ đúng là vùng sâu vùng xa của TP.HCM mặc dù cự li di chuyển chẳng xa xôi gì nếu so với H.Củ Chi. Tuy nhiên, H.Củ Chi phát triển được là bởi giao thông không trắc trở như Cần Giờ. Mạch nối giữa Cần Giờ với phần còn lại của Sài Gòn chính là những chiếc phà, chứ không phải những chiếc cầu. Do vậy đã có lúc người ta đề nghị cần phải xây cầu vượt sông từ H.Nhà Bè qua lãnh thổ Cần Giờ để mong vực dậy “miền Đông hoang dã” này. Một địa phương có tiềm lực tài chính dồi dào như TP.HCM thì việc xây 1, 2 chiếc cầu qua sông chẳng có gì khó. Cái khó nằm ở chỗ khác.
Chúng ta đều biết Cần Giờ có biển. Thế nhưng muốn đi tắm biển, người Sài Gòn chạy ra Vũng Tàu hoặc xa hơn một chút là Mũi Né, Phan Thiết, vì sao? Vì biển Cần Giờ toàn sình lầy, nuôi nghêu sò ốc hến thì tốt, chứ tắm thì không dám. Cần Giờ bạt ngàn rừng đước, tạo thành khu sinh quyển của thế giới rất đặc trưng, có thể đưa vào hoạt động du lịch như rừng tràm ở U Minh được không? Câu trả lời tùy thuộc vào thủy triều. Rừng tràm U Minh nước ngập quanh năm, không chịu ảnh hưởng của thủy triều, trong khi H.Cần Giờ theo chế độ bán nhật triều (con nước lớn/ròng 2 lần trong ngày), nước lên rất lẹ và xuống cũng rất nhanh. Nước rút nhanh đến mức nếu chậm chân, chắc chắn chiếc du thuyền sẽ mắc cạn trên bãi sình trong rừng đước, du khách tha hồ bị muỗi tấn công. Về đặc sản, Cần Giờ nổi tiếng về khô cá dứa, ăn với cơm vắt là tuyệt hảo. Nhưng từ khi món khoái khẩu này nổi đình nổi đám, người ta phát hiện ra rằng có nhiều con khô không phải cá dứa mà là... cá tra. Nói chung du lịch khó trăm bề, người dân Cần Giờ khó có thể mong “ăn theo” du lịch trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy. Nhưng vẫn còn một lối ra.
Cần Giờ hiện có quỹ đất dồi dào, có thể phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, nhất là du lịch nghỉ dưỡng, nó sẽ thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với giá ưu đãi. Vấn đề cốt lõi là giao thông phải thông suốt, tức là xây cầu, chứ không thể lệ thuộc mãi vào những chiếc phà như hiện nay. Vì vậy Cần Giờ cần lắm những “Nhịp cầu nối những bờ vui”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.