Câu lạc bộ 1 tỉ USD

01/08/2009 23:53 GMT+7

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam trên nhiều mặt. Nhưng tác động nặng nhất là lĩnh vực xuất khẩu bởi đây là tác động kép (cả về thị trường xuất khẩu, cả về giá cả xuất khẩu) và gây ra hậu quả dây chuyền, hậu quả kép.

Chính vì thế tốc độ tăng xuất khẩu năm trước đang ở mức 29,1%, nhưng mục tiêu năm nay lúc đầu đề ra đã giảm đi quá nửa (còn 13%) và trong kỳ họp vừa qua Quốc hội đã điều chỉnh xuống thấp hơn nữa (còn 3%), nhưng sau 7 tháng vẫn còn giảm 13,4%, khả năng cả năm rất khó thực hiện được ngay cả mục tiêu điều chỉnh (5 tháng còn lại phải đạt tốc độ tăng 27%, bình quân một tháng phải đạt gần 6,5 tỉ USD, trong khi 7 tháng qua mới đạt trên 4,6 tỉ USD/tháng).

Góp phần quyết định đến sự tăng, giảm của tổng kim ngạch xuất khẩu là các “đại gia” - các thành viên của “câu lạc bộ” có kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên. Sau 7 tháng, “câu lạc bộ” này có 9 thành viên (so với cùng kỳ năm trước bị giảm một thành viên là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và thêm một thành viên mới là đá quý, kim loại quý và sản phẩm), với kim ngạch đạt trên 21,8 tỉ USD, chiếm 67,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và chỉ giảm 6,2% - thấp bằng một nửa tốc độ giảm của tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dệt may đạt 5.020 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ. Đây là kết quả tích cực vì giảm ít so với tốc độ giảm chung, nên đã vượt qua dầu thô lên đứng đầu danh sách các đại gia; vì có thêm thị trường mới là Nam Phi, Nga, Trung Đông...

Dầu thô đạt 3.703 triệu USD, đứng thứ hai danh sách, mặc dù lượng xuất khẩu đạt gần 9,1 triệu tấn, tăng tới 17,7%, nhưng do giá giảm tới 53,1%, nên kim ngạch giảm tới 44,8%.

Đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt 2.617 triệu USD, bất ngờ lọt vào danh sách và lại đứng thứ ba trong “câu lạc bộ”, nhờ có quy mô lớn gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Tuy còn có ý kiến khác nhau, nhưng việc tái xuất là nhằm huy động được lượng vàng lớn đang nằm trong dân để chuyển hóa thành ngoại tệ mạnh phục vụ cho nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, xuất khẩu, đồng thời giảm bớt thâm hụt cán cân thương mại, giảm áp lực tăng tỷ giá trong điều kiện lượng ngoại tệ từ các nguồn vào nước ta bị sụt giảm. Giày dép đứng thứ tư với kim ngạch đạt 2.459 triệu USD, giảm 9,7%, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chủ yếu bị giảm và bị kiện bán phá giá.

Thủy sản đứng thứ năm với kim ngạch đạt 2.172 triệu USD, giảm 8,9%. Giảm do các nguyên nhân: do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chủ yếu bị sụt giảm; do nguồn nguyên liệu gặp khó khăn, thậm chí còn phải nhập khẩu, do rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu...

Gạo đứng thứ sáu danh sách; mới qua 7 tháng đã đạt gần 4 triệu tấn, tăng tới 46,3%. Tuy tăng mạnh về lượng, nhưng do giá giảm mạnh (giảm 28,6%) nên kim ngạch mới đạt gần 2 tỉ USD, chỉ tăng 4,4%.

Điện tử máy tính đứng thứ bảy, với kim ngạch đạt 1.369 triệu USD, giảm 3,7%, thấp hơn nhiều so với tốc độ giảm chung.

Gỗ và sản phẩm gỗ đứng thứ tám, với kim ngạch đạt 1.320 triệu USD, giảm 17,6%, chủ yếu do thị trường bị thu hẹp. Nhưng thị trường mới được mở ra là Trung Đông.

Cà phê đứng thứ chín với lượng xuất khẩu đã đạt 802 nghìn tấn, tăng 19,1%; song do giá xuất khẩu giảm 29,2%  nên kim ngạch giảm 15,7%.

Nhiệm vụ xuất khẩu của 5 tháng còn lại rất nặng nề và để thực hiện nhiệm vụ này, một mặt cần phải mở rộng và tăng nhanh các mặt hàng khác, mặt khác cần phải tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng kim ngạch của các mặt hàng chủ lực, trong đó “câu lạc bộ” có vai trò quan trọng.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.