Theo điều tra do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tiến hành dựa trên thông tin từ 1.155 doanh nghiệp (DN) FDI của 47 quốc gia (chiếm 20% số DN FDI đang hoạt động ở Việt Nam), thời gian trung bình để một DN FDI thông quan cho hàng xuất khẩu mất 2,84 ngày; hàng nhập mất 4,28 ngày; và số DN phải trả chi phí không chính thức để xúc tiến việc thông quan chiếm 68,7%.
Nếu tính theo địa phương thì ở TP.HCM, thông quan hàng xuất mất tới 3,04 ngày; hàng nhập mất 4,52 ngày và 72,6% DN nói có “bôi trơn”. Theo chuyên gia của USAID, trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì thông quan hàng xuất mất 3 ngày, nhất là các mặt hàng rau quả thực phẩm, là đại họa. Do đó, để nhanh chóng thông quan, DN buộc phải chi những chi phí không chính thức. Các khoản chi này đang gây thiệt hại cho môi trường đầu tư của Việt Nam.
Các chi phí không chính thức này còn xuất hiện ở nhiều khâu khác. Chẳng hạn, số DN FDI phải đợi hơn 1 tháng để hoàn tất thủ tục gia nhập thị trường, nhiều gấp đôi DN trong nước. Do vậy, có 20% DN chi trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, 40% nói chi trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp châu u (EuroCham) cho rằng, vấn đề chi phí không chính thức nổi cộm trong khu vực FDI, xuất phát từ việc phân cấp quản lý từ trung ương xuống địa phương. Từ đó, khả năng kiểm soát và minh bạch trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, nếu như các DN trong nước thường phải tiếp những đoàn thanh kiểm tra về thuế, thì DN FDI lại “đối diện” với các đoàn về an toàn cháy nổ, lao động - xã hội, tài nguyên - môi trường. TS Edmund Malesky, đại diện nhóm nghiên cứu đến từ USAID khẳng định, thanh tra, kiểm soát là chuyện quan trọng. Nhưng ngoài chi phí cho thanh tra, kiểm tra; nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất để tiếp đón các đoàn khách này.
Chi phí “bôi trơn” xuất hiện khắp các khâu khiến cho các chính sách ưu đãi đầu tư được cho là đầy hấp dẫn của Việt Nam bị “lu mờ”. Đó là chưa kể những bất lợi đang hiện hữu, như cơ sở hạ tầng yếu kém, tình trạng cắt điện thường xuyên… Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình khi cho rằng, các DN nhỏ quan tâm đến chính sách ưu đãi cụ thể nhiều hơn, trong khi DN FDI quy mô lớn lại coi trọng môi trường pháp lý. Vì vậy, nếu những tồn tại không được nhanh chóng xử lý, thì kỳ vọng về nâng cao chất lượng FDI sẽ trở nên xa vời.
N.Trần Tâm
Bình luận (0)