Cụ rùa và môi trường

16/02/2011 00:58 GMT+7

Tại cuộc hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ cụ rùa hồ Gươm, đã có tham luận khẳng định hiện hồ Gươm có từ hai cụ rùa trở lên, qua khảo sát thực tế trên mặt hồ. Nhưng điều phát hiện ấy không làm người dân yêu hồ Gươm và hình ảnh cụ rùa thần thoại trong hồ yên tâm hơn, mà ngược lại.

Nhiều người cho rằng, nếu hiện tại hồ Gươm còn hai cụ rùa, thì khả năng sống sót của hai “cụ” không vì thế mà cao hơn nếu chỉ có một cụ. Vì rằng, môi trường nước hồ Gươm, theo khảo sát của nhà “rùa học”, PGS-TS Hà Đình Đức - thì hiện đang bị ô nhiễm rất nặng.

Không chỉ ô nhiễm, mực nước hồ hiện rất thấp, nơi sâu nhất chỉ 1,2m, còn nơi cạn nhất chỉ 40 cm. Đáy hồ lại chứa rất nhiều dị vật có thể gây thương tích cho cụ rùa. Môi trường nước ấy không chỉ gây nguy hại cho cuộc sống của cụ rùa, mà các loài thủy sinh trong hồ Gươm đều bị nguy cơ đe dọa.

Có lẽ chỉ trừ loài rùa tai đỏ mà người ta đã “phóng sinh” bừa bãi xuống hồ là “sống tốt sống khỏe” và “xơi khỏe” các loài thủy sinh khác trong hồ, trong đó có cụ rùa mà chúng ta hằng yêu thương, cung kính. Rùa tai đỏ chính là một dạng đặc biệt của môi trường nguy hại mà thế giới đã cảnh báo, nhưng đã bị nhiều cơ quan chức năng của VN phớt lờ.

 Trong hoàn cảnh môi trường nước hồ Gươm vừa bị ô nhiễm nghiêm trọng, môi trường sống của các loài thủy sinh đang bị xâm hại dữ dội, thì cuộc hội thảo về rùa hồ Gươm sẽ đưa ra được những giải pháp gì cấp thời để không chỉ cứu mạng sống cụ rùa hồ Gươm, mà còn làm sạch môi trường nước trong hồ, tẩy sạch được loài “thủy quái” là rùa tai đỏ, và khiến hồ Gươm thực sự trở lại là “lẵng hoa nước” xanh sạch đẹp của thủ đô?

Những cuộc hội họp, hội thảo khoa học về đề tài này là cần thiết, nhưng cần thiết hơn, bức xúc hơn, là làm sao cải tạo gấp môi trường nước hồ Gươm. Khi đã đưa ra những giải pháp, thì quan trọng hơn là phải đi tới thống nhất chọn giải pháp nào khả thi nhất để quyết liệt tiến hành thanh lọc hồ Gươm và phải hoàn thành trong thời gian ngắn trước mắt. Chỉ như thế mới có hy vọng cứu được cụ rùa, dù là một hay hai cụ, hoặc nhiều hơn, và khiến người dân cả nước được yên lòng.

Nhưng khi đã thanh lọc hồ, mà vẫn không có những biện pháp chế tài hữu hiệu để bảo vệ môi trường nước và môi trường xung quanh, thì chẳng mấy chốc hồ Gươm lại trở về trạng thái bị ô nhiễm nặng. Và nếu tiêu diệt hết rùa tai đỏ trong hồ mà không ngăn cản được những người tiếp tục lén lút “phóng sinh” rùa tai đỏ xuống hồ, thì bao công lao dễ thành…công cốc.

Nếu không làm gấp việc cải tạo môi trường hồ, thì chẳng bao lâu nữa, hồ Gươm chỉ còn “biểu tượng” là những “cụ” rùa tai đỏ.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.