Định vị thương hiệu quốc gia

23/08/2007 23:38 GMT+7

Việt Nam - bếp ăn của thế giới", đó là gợi ý của ông Philip Kotler, như một trong những lựa chọn để định vị thương hiệu quốc gia cho nước ta. Tất nhiên đây chỉ là một gợi ý, nhưng rất cần được trao đổi, dù người gợi ý là "cha đẻ" của marketing hiện đại.

Cần khẳng định là không thể có, và không ai có thể ngay lập tức đưa ra một định vị thương hiệu quốc gia. Nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể có được một phương pháp, một cơ chế, một lộ trình để nuôi dưỡng, hình thành, phát triển và minh chứng cho một chiến lược định vị quốc gia phù hợp cho Việt Nam bằng cách trả lời và thảo luận một cách nghiêm túc và sâu sắc ba nhóm câu hỏi về đam mê, về năng lực, và về động lực.

Đầu tiên, phải cùng trả lời câu hỏi điều gì là đam mê, đâu là khát vọng của Việt Nam? Sẽ không thể có một Việt Nam cất cánh hay phát triển vượt bậc nếu đó không phải là đam mê, là khát vọng nội sinh của toàn thể dân tộc. Không dám nghĩ lớn là một điểm yếu rất lớn của người Việt. Vậy nên, chấn dân khí, cải tạo văn hóa theo hướng tích cực, dương tính là những điều cần thiết phải làm để tạo ra những niềm đam mê khai phá, những khát vọng khẳng định vị thế của Việt Nam với thế giới. Chính niềm đam mê, khát vọng sẽ là yếu tố đầu tiên quy định cho định vị quốc gia, và ngược lại, thiếu đam mê, thiếu khát vọng thì sẽ không thể theo đuổi và thực thi được bất cứ một định vị quốc gia nào.

Đối với nội dung năng lực quốc gia, chúng ta cùng trả lời ba câu hỏi sau: điều gì chúng ta có thể làm tốt nhất (thế giới, châu Á, khu vực Đông Nam Á); điều gì chúng ta không thể làm tốt nhất; điều gì chúng ta buộc phải làm tốt - đạt chuẩn của khu vực và thế giới? Những câu hỏi này cho ta biết những lĩnh vực gì chúng ta đóng vai trò mũi nhọn, những gì đóng vai trò nền tảng cần phải có, và những gì cần phải bỏ qua để đảm bảo sự tập trung của các nguồn lực mang lại hiệu quả cao nhất; đảm bảo được sự gặp gỡ giữa cái mà thế giới cần và cái mà Việt Nam có thể cung cấp để tạo ra lợi thế cạnh tranh, hình thành nên định vị của một quốc gia trước rất nhiều quốc gia cạnh tranh tương tự.

Để có thể trả lời được những câu hỏi nêu trên, cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo lợi thế của Việt Nam trong xu thế vận động nhanh chóng của tiến trình toàn cầu hóa. Tôi cho rằng, có ba xu hướng của thế giới cần được Việt Nam coi như những nguồn lực để phát triển: một là, xu thế phát triển bền vững thay cho phát triển quá thiên về vật chất; hai là, thế kỷ của một châu Á phục hưng; ba là, cơ hội từ một thế giới phẳng về thông tin, công nghệ, nhân lực, tài chính. Các xu thế này cho phép ta có cơ sở để xác lập các chiến lược phát triển đột phá, sử dụng nguồn lực của thế giới để phát triển.

Về thế mạnh của Việt Nam, theo tôi chúng ta có thể phát triển nông nghiệp hiện đại, du lịch trên cơ sở văn hóa và sinh thái tự nhiên (trong đó gồm cả các lĩnh vực như ẩm thực, dưỡng sinh, y học dân tộc...), kinh tế biển, kinh tế tri thức. Quả thật, đó là những thế mạnh không thể chối cãi của một quốc gia sở hữu hơn 3.000 km bờ biển nhiều tài nguyên; có vị trí địa chính trị mang ý nghĩa chiến lược; có truyền thống và tài nguyên văn hóa lâu đời; có con người cần cù, thông minh và sáng tạo vào bậc nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, có những lĩnh vực buộc phải làm tốt để đảm bảo sự tự chủ và ổn định như năng lượng (truyền thống và năng lượng mới), hệ thống kho vận (logistic), hệ thống tài chính, hệ thống phân phối nội địa. Vậy thì, ẩm thực như Philip Kotler nhắc đến chỉ là một phần trong số những thứ Việt Nam có và thế giới đang cần. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn vậy, tốt hơn vậy. 

Đâu là những động lực của định vị quốc gia? Tức là chúng ta mong muốn có được kết quả gì từ chiến lược định vị đó. Những kết quả chỉ thiên về vật chất, hay là có cả những kết quả về mặt tinh thần và xã hội, ở tầm mức của Việt Nam và khu vực hay còn tạo được những ảnh hưởng đối với thế giới toàn cầu hay không? Rõ ràng, sự phát triển tư bản thiên về vật chất đang tạo ra những vòng xoáy khủng hoảng không dứt về môi trường, xã hội, xung đột quốc gia, sắc tộc, tôn giáo; hãy nhìn những vấn đề mà cường quốc số 1 thế giới Hoa Kỳ đang tạo ra và vấp phải để thấy rõ các khủng hoảng đó.

Cũng có những quốc gia đang phát triển, do quá tập trung vào kinh tế mà tạo ra sự mất cân bằng về môi trường, đạo đức xã hội, tôn giáo; một đất nước Thái Lan có 90% dân số theo đạo Phật nhưng lại đang nổi tiếng thế giới về ngành công nghiệp tình dục, về khủng hoảng chính trị, về xung đột tôn giáo. Vậy còn Việt Nam, chúng ta mong muốn sẽ đạt được những lợi ích gì, từ một định vị quốc gia, định vị của các  tập đoàn, của các doanh nghiệp và cá nhân trong quốc gia đó? Những chỉ số nào, ngoài chỉ số tăng trưởng về GDP, về thu nhập sẽ là thước đo cho Việt Nam? Xa hơn nữa, liệu chúng ta có thể tạo ra một Việt Nam là hình mẫu mới của thế giới về sự phát triển bền vững - điều mà toàn thể thế giới đang phải hướng tới hay không? 

Rõ ràng, để xác định định vị quốc gia, chúng ta cần trả lời hàng loạt các câu hỏi như trên. Với lợi thế của những người đi sau, chúng ta phải học hỏi từ những "bậc thầy" của thế giới như Philip Kotler và nhiều vị "guru" khác nữa để chắt lọc ra những gì phù hợp, nhưng con đường của đất nước Việt Nam sẽ phải do chính con người Việt Nam quyết định và đóng vai chính trong việc huy động và điều phối các nguồn lực của thế giới để thực thi định vị quốc gia cho dân tộc mình. Bởi xét cho cùng chúng ta hoàn toàn có thể làm được, và không ai có thể làm thay cho chúng ta.

Đặng Lê Nguyên Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.