Độc quyền cũng phải thay đổi

08/05/2017 06:18 GMT+7

Đó là thực tế không thể tránh khỏi với bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp độc quyền, nếu muốn tồn tại, phát triển trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Họ chỉ có lựa chọn duy nhất: thay đổi hoặc chết.
Sự việc ngành đường sắt đưa ra giá vé 10.000 đồng cho một số tuyến cùng nhiều chương trình khuyến mãi ngay mùa cao điểm của nhu cầu đi lại là minh chứng rõ ràng nhất trong việc này. Xin nói rõ, đường sắt hiện vẫn do Tổng công ty đường sắt VN độc quyền khai thác, không có đường sắt tư nhân và cũng chẳng có đơn vị nước ngoài nào nhảy vào cạnh tranh. Vì thế bao lâu nay, ngành này vẫn sống, vẫn tồn tại "một mình một chợ" trong một loạt nghịch lý như giá cao nhưng chất lượng dịch vụ kém; giá vé tàu cao hơn vé máy bay...
Tuy nhiên, những nghịch lý này cũng đến lúc chấm dứt. Giờ đây đường sắt phải cạnh tranh quyết liệt với đường bộ, hàng không. Mà hàng không, đường bộ đã có sự thay đổi vượt bậc trong mấy năm qua. Có thể thấy, việc hạ tầng cơ sở được cải thiện mạnh mẽ đã ra đời hàng loạt hãng xe chất lượng cao, giá cả hợp lý. Đặc biệt, hàng không giá rẻ với các chương trình siêu khuyến mãi vé 0 đồng đã khiến đường sắt bị lép vế hoàn toàn. Năm 2016, doanh thu của ngành này đã sụt giảm mạnh so với trước đó. Họ buộc phải đối mặt với cạnh tranh bằng các giải pháp như nói trên. Tất nhiên, giá chưa phải là tất cả, còn rất nhiều việc mà ngành đường sắt phải làm như nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, tạo sự tiện lợi cho khách hàng, quản trị lại bộ máy... để giữ chân khách hàng của mình.
Câu chuyện của ngành đường sắt là một cảnh tỉnh cho bất cứ ngành nào còn ỷ lại vào vị thế độc quyền trong kinh doanh để áp đặt lên người tiêu dùng những mức giá cùng chất lượng sản phẩm, dịch vụ vô lý. Đơn cử ngành điện mà khâu phân phối và truyền tải vẫn độc quyền do Tập đoàn điện lực VN (EVN) nắm giữ. Với vị thế này, giá điện bao năm qua phải "cõng" hoặc "suýt" phải cõng những chi phí vô lý như xe sang, biệt thự; lỗ tỷ giá; chi phí hiếu hỉ, nghỉ mát... Hệ quả là giá điện chỉ có một điệp khúc tăng, tăng và tăng. Người dân, doanh nghiệp dù bức xúc nhưng phải chấp nhận, vì không sử dụng điện của EVN thì chỉ có nước... thắp đèn dầu.
Nhưng nếu không thay đổi, sớm muộn EVN cũng rơi vào tình trạng như đường sắt bởi xu hướng và chủ trương phát triển của năng lượng tái tạo về lâu dài sẽ giúp người dân, doanh nghiệp (DN) không còn phụ thuộc toàn bộ vào đơn vị này. Mới đây, việc đưa ra mức giá hợp lý cho điện mặt trời của Chính phủ đã khiến nhiều DN, hộ gia đình đã và đang chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch. Một loạt dự án điện gió, điện mặt trời cũng đang được các DN trong và ngoài nước đẩy nhanh. Nên dù có độc quyền, vị thế của EVN tất yếu cũng lung lay. Hay với việc tham gia của xổ số điện toán, doanh số và lợi nhuận của xổ số truyền thống đã sụt giảm trầm trọng. Muốn tồn tại, ngành này buộc phải thay đổi cả về chất và lượng thông qua việc tăng giá trị giải thưởng, thay đổi phương thức hoạt động, bộ máy quản lý...
Dẫn ra để thấy, cạnh tranh là xu hướng tất yếu và thị trường có những nguyên tắc, quy luật riêng của nó. Theo đó, những DN yếu kém, không vận động tự khắc sẽ bị thụt lùi, bị đào thải mà không vị trí, cơ chế nào có thể bảo vệ mãi mãi. "Thay đổi hay là chết" không phải là lý thuyết mà là thực tiễn các DN phải lựa chọn nếu muốn tồn tại và phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.