Giám sát thực chất

02/06/2015 06:28 GMT+7

Cuối cùng thì chỉ còn một phương án tổ chức chính quyền địa phương trong dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương đưa ra QH thảo luận ngày hôm qua: tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND), chấm dứt mọi tranh cãi liên quan đến việc thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường kể từ năm 2009.

Cuối cùng thì chỉ còn một phương án tổ chức chính quyền địa phương trong dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương đưa ra QH thảo luận ngày hôm qua: tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND), chấm dứt mọi tranh cãi liên quan đến việc thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường kể từ năm 2009.

Trong báo cáo thực hiện thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường theo Nghị quyết 26 của UBTV QH gửi các ĐBQH hôm 25.5, Chính phủ cho rằng tuy “tiết kiệm được nhiều khoản chi phí hành chính” nhưng vẫn đề nghị “chấm dứt thí điểm”.

Thực ra, quyết định này là kết quả của một bước tiến dài về dân chủ và nhận thức.

HĐND các cấp là cơ quan đại diện cao nhất quyền lợi và quyền lực của nhân dân trong phạm vi mà HĐND mỗi cấp tương ứng đại diện. QH là đại diện cho ý chí, quyền lợi và quyền lực của nhân dân cả nước. HĐND xã, phường là đại diện cho ý chí, quyền lợi và quyền lực của toàn dân trong xã, trong phường. Về nguyên tắc tổ chức quyền lực, ở đâu có chính quyền ở đó phải có HĐND để giám sát. Tổ chức chính quyền mà không có HĐND giống như người ta đi một chân.

Chuyện HĐND ở nhiều cấp, nhiều nơi hoạt động hình thức, không có tác dụng giám sát hoạt động của UBND và quyết định các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân, mà lại tốn kém cho công quỹ là có thật. Nhưng trách nhiệm của chúng ta phải xây dựng các thiết chế giám sát ấy trở nên thực chất, chứ không phải tước bỏ quyền lực (dù là đại diện) của cử tri.

Tại sao HĐND hoạt động chưa tốt? Là bởi vì HĐND chưa tập hợp được đầy đủ trí tuệ của nhân dân trong phạm vi địa phương mình. Các ông bà “hội đồng” được bầu theo cơ cấu, ưu tiên thành phần, chứ không ưu tiên trình độ hiểu biết và thái độ trách nhiệm vì cộng đồng. Ngoài ra, HĐND nguyên tắc là đại diện cho dân, nhưng không có quyền quyết định trực tiếp, trên thực tế chỉ là giơ tay tán thành để hợp thức hóa các quyết định cụ thể của các cấp ủy địa phương, đồng thuận với bên chính quyền để tổ chức thực hiện các chủ trương này.

 Nâng cao chất lượng tổ chức, chất lượng đại biểu và chất lượng giám sát của HĐND các cấp là yêu cầu có thật.

 Cùng với việc sửa đổi về tổ chức HĐND (quy định chính quyền ở từng địa bàn đô thị, nông thôn và hải đảo) và cơ cấu tổ chức (tăng đại biểu chuyên trách) cũng như các điều kiện bảo đảm hoạt động của chính quyền địa phương trong luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, hy vọng HĐND các cấp hoạt động thực chất hơn, chính quyền địa phương gần dân, sát dân hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.