Giờ trái đất

27/03/2010 04:28 GMT+7

Sự kiện Giờ trái đất (GTĐ) kể từ khi ra đời lần đầu tiên ở Sydney (Úc) đã được tổ chức ngày càng rầm rộ. Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) ước tính năm nay toàn thế giới có 1 tỉ người ủng hộ sự kiện này.

Không đứng ngoài cuộc, 20 thành phố của VN đã đăng ký tham gia với nhiều hoạt động. Và mục tiêu của GTĐ không chỉ ở 60 phút thắp nến "hát với nhau" tối thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm…

Năm 2009, 6 thành phố VN tham dự GTĐ đã tiết kiệm được 140.000 kWh điện, tương đương 7.500 USD, một con số không lớn. Vậy nên, nếu lấy việc tắt điện trong 1 giờ để mơ mộng “cứu trái đất” thì có vẻ chỉ là… mộng mơ.  “Từ GTĐ, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp Hành động nhỏ cho thay đổi lớn đến với mọi người” - đó là khẳng định của những thành viên Ban tổ chức GTĐ. Cách đây 3 năm, 2 triệu người dân Sydney tắt điện trong 1 giờ  có thể chỉ là “muối bỏ bể”, nhưng nếu 1 tỉ người trên toàn thế giới cùng lung linh bên ánh nến tối hôm nay thì chúng ta đã có… một ruộng muối. Và sau 60 phút GTĐ, nếu 1 tỉ người này tự động khóa vòi nước công cộng ai đó quên tắt, ra khỏi nhà là tắt hết điện… thì chắc chắn trái đất sẽ được lợi nhiều bề.

Trái đất đang “sốt” cao, chuyện này ai cũng biết. Nhưng rất ít người xem đó là chuyện của mình. Chính vì cách suy nghĩ đó mà phần đông nhân loại đang sống rất vô trách nhiệm với hành tinh xanh. Đi cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật là sự phung phí năng lượng khủng khiếp, “tội đồ” số một hiện nay là các quốc gia phát triển. Giáo sư Jared Diamond, chuyên gia hàng đầu thế giới về tiến hóa, môi trường, nhân chủng học… với tác phẩm Súng, vi trùng và thép từng đoạt giải Pulitzer, nhận định trong một bài viết rằng nếu các nước đang phát triển “phấn đấu” đạt mức tiêu xài như các nước Tây phương, hành tinh của chúng ta sẽ bị khai tử. Như vậy, nếu còn thương trái đất, các nước nghèo cứ cố gắng phát triển về mọi mặt, nhưng nhớ “chừa” khoản phung phí năng lượng qua một bên.

Khởi đầu bằng những sinh vật đơn bào, qua quá trình tiến hóa hằng triệu năm, thiên nhiên đã tặng chúng ta bao điều tuyệt mỹ. Thời gian tồn tại của homo sapiens chỉ như một cái phẩy tay nếu so với lịch sử của trái đất, nhưng chính “cái phẩy tay” ấy đang phá hoại tất cả. 50 năm tới, trước một trái đất xác xơ, không còn hình bóng của voọc ngũ sắc VN, chim thiên đường New Guinea hay gấu trúc Trung Quốc, chúng ta biết nói gì với thế hệ sau này?

Điều quan trọng nhất là tiết kiệm năng lượng cần trở thành ý thức, thói quen của cộng đồng, một cách tự nhiên.  Xây nhà phải xây từ nền móng. Nên chăng Bộ GD-ĐT thêm vào những tiết ngoại khóa về môi trường sinh thái ngay từ bậc tiểu học?

Sự kiện GTĐ năm nay được giới trẻ cả nước tham gia rất nhiệt tình, đây là một tín hiệu đáng mừng. Nhìn ra xung quanh, cộng đồng thế giới đang ngày càng nỗ lực sống “xanh” hơn; các trang web hướng dẫn những cách thức đơn giản để tiết kiệm năng lượng ngày càng nhiều; thành viên các hội nhóm, tổ chức thiện nguyện vì môi trường tăng không ngừng…

Ngay cả trên chính trường, sau khi vượt qua “đàn anh” cánh tả là đảng Xã hội tại kỳ bầu cử Nghị viện châu u (6.2009), liên minh Sinh thái lại tiếp tục giành được số điểm rất cao tại kỳ bầu cử địa phương tuần qua ở Pháp. Các cử tri rõ ràng đã chọn lá phiếu màu xanh và góp phần khiến các chính phủ phải quan tâm hơn đến các chính sách về môi trường.

Nhiều tín hiệu nhỏ tích cóp lại sẽ tạo nên hiệu quả lớn. Đừng xem đó là chuyện người ta. Nếu đêm nay lỡ quên tắt điện, không hề gì, ngày mai bạn nhớ vặn chặt vòi nước trước khi ra khỏi nhà, nhé!

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.