Hàng giả, hàng nhái - kẻ thù của doanh nghiệp và người tiêu dùng

09/04/2007 00:40 GMT+7

Tình trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay có một số đặc điểm khác so với trước đây. Hàng giả, hàng nhái thông thường chỉ phát sinh khi hàng hóa sản xuất ra không đủ tiêu dùng, tức là người làm giả, làm nhái đánh vào sự thiếu hụt của người tiêu dùng, nhưng nay khi quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng đã được cải thiện một bước quan trọng, thậm chí có nhiều mặt hàng cung đã vượt cầu, hàng giả, hàng nhái lại phát sinh và phát triển; hẳn là khâu quản lý còn chưa tốt.

Hàng giả, hàng nhái khá phổ biến ở nhiều mặt hàng, từ những mặt hàng thông thường, như mỹ phẩm, quần áo, hàng hiệu túi xách, xi măng…, những mặt hàng liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, như thuốc tân dược, rượu, một số thực phẩm…, đến những mặt hàng có tính kỹ thuật, những mặt hàng cao cấp, có giá trị lớn, như phụ tùng xe máy, đầu VCD, DVD…, rồi cổ phiếu, tiền… Và đến cả "tem chống hàng giả" cũng bị làm nhái, làm giả! Thời gian xuất hiện hàng giả, hàng nhái bây giờ cũng nhanh hơn nhiều; nếu trước đây, sau khi doanh nghiệp cho ra đời sản phẩm mới phải trên nửa năm sau mới có hàng giả, hàng nhái, thì nay có khi chỉ khoảng nửa tháng hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện ngoài thị trường.

Nói hàng giả, hàng nhái là kẻ thù của doanh nghiệp được xét trên ba mặt. Một mặt, doanh nghiệp bị mất thị phần tiêu thụ, bởi hàng giả, hàng nhái đã lừa được người tiêu dùng bằng giá cả thấp hơn (hoặc giá nào cũng bán). Theo đánh giá sơ bộ, tỷ lệ hàng giả tại thị trường hiện chiếm khoảng 8% đối với dược phẩm, 25% đối với rượu mạnh… Mặt khác, là uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính bị giảm sút. Mặt khác nữa là môi trường kinh doanh bị xâm phạm, trong đó cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng là động lực của tăng trưởng; hàng giả, hàng nhái góp phần tiêu diệt cạnh tranh. Nói hàng giả, hàng nhái là kẻ thù của người tiêu dùng thì quá rõ, chẳng những bị lừa mất tiền, mà còn nhiều trường hợp "tiền mất tật mang", còn nguy hại đối với sức khỏe và tính mạng con người.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái như trên tiếp tục phát sinh, phát triển do nhiều nguyên nhân, không chỉ do bản thân những kẻ làm hàng giả, hàng nhái hám lợi, lừa đảo, mà còn liên quan đến các chủ thể trên thị trường, đó là các doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái trong nhiều trường hợp đã không muốn, không dám công bố ồn ào, do sợ nếu công bố thì sản phẩm của mình cũng sẽ không tiêu thụ được, thà rằng "chung sống với lũ", rồi dò tìm tự phát hiện. Người tiêu dùng khi bị lừa xong mới biết là hàng giả, hàng nhái thì kẻ làm hàng giả, hàng nhái đã lừa được rồi; khi phát hiện được thì đã không tìm ra được người bán, chưa nói là tìm ra được kẻ sản xuất, đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". Các cơ quan quản lý nhà nước, tuy đã có Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực thi hành từ tháng 6.2006), nhưng việc hướng dẫn thi hành còn quá chậm, việc thực thi của các ngành, các cấp còn chưa được quan tâm. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập, việc vi phạm sở hữu trí tuệ là vi phạm vào điều cấm của luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Việt Nam vẫn còn bị xếp vào danh sách những nước có mức độ vi phạm nhiều nhất, sẽ phải đứng trước các vụ kiện vi phạm sở hữu trí tuệ của khách hàng và các tổ chức quốc tế. Việc xử lý vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe nếu so với lợi ích thu được của những kẻ làm hàng giả, hàng nhái.

N.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.