Khi người Thái sợ tụt hậu so với VN…

26/03/2007 00:14 GMT+7

Hồi đến Thái Lan lần đầu tiên đưa tin về vụ đảo chính, tôi gặp một số đồng nghiệp người Thái. Họ nói với tôi bằng thái độ như có phần dè chừng: "Việt Nam bây giờ mạnh lắm". Rồi nhiều người Việt ở Thái Lan cũng nói với tôi rằng: "Người Thái bây giờ thực sự lo bị Việt Nam vượt mặt". Điều đó khiến tôi không ít lần tự hỏi: Hình như đến một "phó thường dân" Thái cũng quan tâm đến chuyện một nước Việt Nam láng giềng đang ngày càng ở thế cạnh tranh với họ? Bằng cách nào? Và tôi đã tìm được câu trả lời khi tình cờ tìm được một "bài học" trên trang web của Báo Bangkok Post.

Đó là kiểu bài giúp người tự học tiếng Anh, giáo viên và người tìm tư liệu mỗi ngày bằng cách phân tích cặn kẽ một bài báo tiêu biểu (về tình hình Thái Lan) đăng trên tờ Bangkok Post. Nhưng bài học mà tôi nói đây là một ngoại lệ: bài của nhà báo Việt Nam Trần Bình Minh viết cho hãng tin Reuters ngày 15.11.2006 với tựa đề Vietnam suspends exports of rice (Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu gạo).

Bài báo của anh Bình Minh viết trong lúc dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn hoành hành ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, gây thất thoát của nông dân đến gần triệu tấn lúa, đẩy giá lúa gạo trong nước lên mức cao nhất trong vòng 30 năm. Tình hình đó khiến Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo tạm ngưng xuất khẩu gạo, đồng thời lấy nguồn dự trữ gạo quốc gia ra để bình ổn giá. Bài báo này lập tức gây mối quan tâm đặc biệt đối với Thái Lan, khiến nó ngay trong ngày trở thành bài học "Tìm hiểu kinh tế qua tin tức" cho toàn công chúng Thái với tựa đề Vietnam's food security and pulloutfrom world rice markets (An ninh lương thực và sự rút khỏi thị trường gạo thế giới của Việt Nam).

Phần giới thiệu bài học, người phụ trách chương trình Jon Fernquest bình luận: "Tùy vào tình hình này (ở Việt Nam) kéo dài bao lâu mà Thái Lan có cơ may nhảy vào làm nhà cung cấp gạo cho những thị trường mà Việt Nam không thể cung ứng được nữa. Nguồn dự trữ gạo của Thái Lan hiện rất lớn nhờ vào chính sách thu mua giá cao mà chính quyền Thaksin đã dùng để can thiệp thị trường lúa gạo". Phần "từ vựng" giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu ý nghĩa của khá nhiều động từ, danh từ và cụm từ trong bài báo. Đặc biệt các danh từ riêng của Việt Nam như vùng ĐBSCL, vành đai trồng cà phê Tây Nguyên… được giải thích rất rõ, kèm theo đường dẫn tham khảo tới từ điển bách khoa Wikipedia. Bài học cũng cung cấp đường dẫn đến website của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để công chúng Thái có thể tìm hiểu thêm về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đáng lưu ý nhất là 16 câu hỏi mà bài học đặt ra để hướng người đọc vào những chi tiết rất "có ý nghĩa" đối với Thái Lan, và câu trả lời được đưa ra ở phần cuối bài. Xin đơn cử vài câu hỏi: Việc ngưng cung cấp gạo về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên xuất gạo của Việt Nam ra sao? Trong điều kiện nào thì ảnh hưởng (tiêu cực) này có lợi cho Thái Lan? Việt Nam và Thái Lan đang cạnh tranh thị trường đối với loại gạo nào? Nơi đâu sẽ là thị trường kế tiếp của hạt gạo? Gạo Thái Lan cạnh tranh hay kém cạnh tranh hơn gạo các nước khác? Các câu trả lời vừa như thừa nhận, vừa như cảnh giác người dân Thái một thực tế rằng Thái Lan và Việt Nam đang cạnh tranh nhau quyết liệt trên thị trường xuất khẩu gạo, nhất là loại gạo trắng 25% tấm; ở đó, gạo Thái kém khả năng cạnh tranh hơn bởi giá quá cao, biểu hiện là trong những năm qua Thái Lan đã để mất hai thị trường lớn là Philippines và Indonesia. Và bài học cũng "nhắc nhở" người Thái chớp lấy thời cơ khi "đối thủ" gặp khó khăn để lấy lại hai thị trường đã mất, đồng thời tiến công sang thị trường châu Phi đầy tiềm năng. Và đầu tháng 12.2006, họ đã đưa một phái đoàn cao cấp sang Nam Phi để xúc tiến việc xuất khẩu gạo sang đây…

Không chỉ "cảnh giác" người Thái về vị thế cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam, Thái Lan còn luôn nhắc nhở dân mình về một nền kinh tế Việt Nam đang vươn vai như Phù Đổng, nhiều khả năng vượt mặt Thái Lan trong một tương lai gần. Báo chí Thái gần đây thường xuyên đề cập đến khả năng bị tụt sau Việt Nam ở mặt này mặt khác khi mà những bất ổn chính trị đang kéo theo sự đi xuống của nhiều ngành. Còn tại Hội đồng soạn thảo hiến pháp, các thành viên đang tranh cãi hiến pháp mới nên thế nào, thủ tướng có nhất thiết được chọn lựa thông qua bầu cử, mà mục tiêu tối thượng là để đảm bảo một Thái Lan ổn định để phát triển, tránh bị tụt lại sau Việt Nam.

Mỗi sự "nhắc nhở" nhau của người Thái khiến tôi nghĩ về Việt Nam. Đã bao giờ nông dân ta được trang bị một ước mơ vượt qua Thái Lan, đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo? Hay phải dè chừng vị trí thứ hai có ngày rơi vào tay Trung Quốc hay Ấn Độ? Các ngành các cấp của chúng ta đã có những động tác gì để kéo những du khách quốc tế đang e ngại "thiên đường du lịch Thái Lan" tiềm ẩn thảm họa khôn lường đến với những bãi biển xinh đẹp, bình yên của Việt Nam? Còn các nhà đầu tư thì chắc chắn đang muốn "chuyển hộ khẩu" sang Việt Nam như một điểm đến an toàn, đầy hứa hẹn trong khu vực Đông Nam Á. Chúng ta có kịp đưa tay mời họ vào nhà?

Trên con đường đi đến của mình, dẫu có những bước chững lại như ở thời điểm hiện tại, người Thái biết nhắc nhở nhau quan sát xung quanh đề phòng sự qua mặt của đối phương. Họ cũng nhanh chóng nắm thời cơ khi đối phương khó khăn cùng nhau chạy nước rút về đích trước. Chuyện xuất khẩu gạo là một ví dụ điển hình. Bài học "biết người, biết ta" và "nắm bắt thời cơ" hẳn là được người Thái luôn tâm niệm.

T.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.