Tháng 11.1953, trả lời phỏng vấn báo Thụy Điển Expressen, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khả năng đàm phán ngoại giao để giải quyết cuộc chiến tranh. Tháng 1.1954, hội nghị bốn nước lớn họp tại Berlin (Đức) quyết định triệu một hội nghị quốc tế tại Genève vào ngày 26.4.1954 để bàn việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và cuộc chiến tranh Đông Dương.
Theo lịch trình, hội nghị Genève bàn về chiến tranh Đông Dương sẽ họp vào ngày 8.5.1954, thì chiều 7.5, quân và dân ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo điều kiện rất thuận lợi cho cuộc đàm phán.
Chiến thắng Điện Biên Phủ sau chiến dịch 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, còn là một đòn đánh mang tính quyết định vào ý đồ của Chính phủ Pháp ở Paris và Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương. Đó là ý đồ giành một thắng lợi quân sự để bước vào đàm phán trên thế mạnh, rút ra khỏi cuộc chiến tranh hao người, tốn của “trong danh dự”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ vào đúng thời điểm đàm phán đó cho thấy sự đúng đắn của phương châm tác chiến được Bộ Chính trị xác định là “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Từ đó, chúng ta có quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”.
Trong suốt chiến dịch, ta thấy Bộ Chính trị T.Ư Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân, toàn dân đều thể hiện sự quyết tâm chiến đấu cao, lòng tin vào thắng lợi.
Đồng thời, chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố: sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, quyết đoán, kịp thời của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh; sự đồng tâm nhất trí, đoàn kết một lòng, dồn toàn lực cho chiến thắng ở giai đoạn cuối cuộc kháng chiến. Đường lối kháng chiến: toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình và lâu dài của Đảng đã được thể hiện rõ ràng nhất, có sức thuyết phục nhất bằng quyết định lịch sử này.
Nếu có thể gọi tên Tinh thần Điện Biên Phủ thì đó chính là tinh thần toàn quân đoàn kết với toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện một trận đánh lớn nhất trong cuộc kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến đó, chúng ta có quyết tâm đánh trận cuối cùng để giải phóng đất nước. Cũng vì thế, Điện Biên Phủ là bài học của đoàn kết quân dân, cả nước ra trận.
Ngày nay, tinh thần Điện Biên Phủ đó vẫn thấy rõ trong đời sống. Nhìn lại những ngày chống tham nhũng, chống dịch Covid-19, xây dựng kinh tế, chúng ta có thể thấy tinh thần Điện Biên Phủ đó vẫn rất sống động. Đặc biệt, trong sự kiện đặc biệt Covid-19 mà cả thế giới cùng trải qua, tinh thần quân dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện rõ sức mạnh. Những chỉ đạo chống dịch cũng được chia ra nhiều giai đoạn vừa nghiêm túc, chặt chẽ vừa linh hoạt. Chúng ta đã chống dịch rất hiệu quả. Đồng thời, nhờ chống dịch như vậy, cũng giống như ở Genève năm nào, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tăng lên rất cao.
Bình luận (0)