Nén bạc đâm toạc tờ giấy

04/05/2010 23:44 GMT+7

Dư luận bàng hoàng tự hỏi vì sao tại một ấp văn hóa của huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau ngày nay lại có thể xảy ra chuyện hành hạ trẻ em tàn nhẫn, dã man như thời Trung cổ. Nạn nhân là cháu trai Nguyễn Hoàng Anh (thường gọi là Hào Anh) mới 14 tuổi, làm thuê cho vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức là Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm.

Còn nhớ năm 2008, một câu chuyện tương tự cũng được phát hiện giữa trung tâm Hà Nội khiến dư luận cũng bàng hoàng không kém. Nạn nhân là một cô gái tên Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1986, làm công cho vợ chồng chủ hiệu phở và bị đối xử tàn tệ suốt 13 năm, nhiều hàng xóm cũng như khách hàng biết chuyện nhưng không ai dám can thiệp. Cho đến khi một người hàng xóm thương tình che giấu và bày cách cho cô trốn thoát đồng thời với việc công luận lên tiếng, thì cô gái mới được xã hội quan tâm bảo vệ.

Trên đây chỉ là hai câu chuyện điển hình, ngoài ra còn bao nhiêu câu chuyện bạo hành trẻ em mà hằng ngày báo chí vẫn đưa tin rồi chìm vào quên lãng, không thể kể hết. Mặc dù ngay sau câu chuyện đau lòng của em Bình, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã từng chỉ đạo phải xử lý nghiêm và yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội phải khẩn trương xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình cũng như hoàn thiện Chiến lược bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên để có những giải pháp hữu hiệu nhất cho các vấn đề bức xúc này.

Những kẻ thủ ác rồi sẽ bị pháp luật trừng phạt, song sự trừng phạt dù có nghiêm khắc cũng chỉ là giải pháp bị động, chỉ giải quyết được cái ngọn của vấn đề khi mà cái ác đã thực sự xuất hiện và đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Điều quan trọng là phải nhìn thấy rõ bản chất, chỉ ra được cội nguồn hình thành của cái ác từ đó có giải pháp căn cơ ngăn ngừa, hạn chế, tiến tới cô lập và tiêu diệt cái ác từ khi nó chưa kịp tượng hình.

Không phải ngẫu nhiên mà vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức ở Cà Mau ngang nhiên hành hạ cháu Hào Anh công khai trước sự bức xúc của dư luận. Hãy nghe họ thách thức qua lời kể của ông bí thư chi bộ "ấp văn hóa" Phú Hiệp: "Nhà này muốn cho ở thì ở. Muốn đuổi thì đuổi. Mấy ông lập biên bản tui không ký, xé bỏ, bỏ ra vài trăm triệu là xong". Họ nói là làm, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng công an xã Ngọc Chánh, Đầm Dơi tiết lộ: "Vợ chồng Mã Ngọc Thơm nói với tôi làm nhẹ nhẹ, xong chuyện tính toán cho". Những người hàng xóm của ông bà chủ trại tôm này cũng sợ hãi cho hay, vợ chồng chủ trại Minh Đức ở đây không thèm giao du với ai, nhưng hễ có chuyện gì không hài lòng thì văng tục, đòi cho xã hội đen thanh toán!

Đòi cho xã hội đen thanh toán đối thủ làm ăn, hoặc có mâu thuẫn riêng tư giờ đây không còn chỉ là chuyện hăm dọa. Gần đây báo chí có đưa tin một tổng giám đốc thuê xã hội đen thanh toán chính phó tổng của mình vì mâu thuẫn trong làm ăn. Khi người dân phải tìm tới xã hội đen để giải quyết các mâu thuẫn lớn nhỏ của mình chính là lúc nhà chức trách phải xem xét lại một cách nghiêm túc hiệu quả vận hành của hệ thống thực thi luật pháp, hệ thống bảo vệ các lợi ích chính đáng cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thói quen suy nghĩ "nén bạc đâm toạc tờ giấy" không thể hình thành và phổ biến một cách rộng rãi trong xã hội chỉ trong ngày một ngày hai.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chúng ta đã để cho cái mầm ác bám rễ quá sâu trong cuộc sống. Với suy nghĩ, có thể làm được mọi thứ và giải quyết hệ lụy bằng cách chi thật nhiều tiền. Gần đây, suy nghĩ này còn được mang ra ứng xử với cả thần thánh khi mà trong những ngày lễ hội Tết cổ truyền của dân tộc, đồng tiền bị vung vãi khắp nơi từ tượng thần, tượng Phật, tới các đền đài miếu mạo đủ kiểu… Đi lễ thật hậu và cầu khấn thật nhiều, người ta tưởng rằng có thể xóa bỏ được những tội trạng, những mầm ác mà họ đã gieo rắc. Khi các giá trị đạo đức bị nhầm lẫn và các thang giá trị nhân bản bị đảo lộn thì đó chính là nguyên nhân khiến cái ác phát sinh ngày một nhiều và ngày càng khủng khiếp hơn.

Hữu Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.