Trước đó, nhiều trái cây VN cũng tốn rất nhiều thử thách để được các thị trường khó tính như Úc, Nhật, châu Âu chấp nhận. Đầu ra đã mở, vấn đề còn lại là bảo đảm về chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm để trái cây VN có thể tồn tại và tiêu thụ mạnh ở các nước này, thay vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro.
Để làm được như vậy, phải tích tụ đất đai, cơ giới hóa nông nghiệp chứ không thể tiếp tục phát triển nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ hiện nay. Thế nhưng luật Đất đai sửa đổi 3 năm nay vẫn chưa xong. Hệ quả như Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với lãnh đạo các bộ ngành về thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao mới đây, người nông dân trả đất còn nhà đầu tư thì không có đất vào làm. Tương tự với luật Quy hoạch, có hiệu lực từ cách đây 2,5 tháng nhưng tới giờ chưa có nghị định hướng dẫn, nhiều địa phương chưa phê duyệt quy hoạch khiến dự án không thể triển khai, doanh nghiệp (DN) gánh nặng chi phí vốn, chi phí lãi vay trong khi ngân sách cũng hụt thu... Thực ra tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh là chuyện rất cũ, diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng rồi đâu lại hoàn đó dù vấn nạn này đã và đang tạo ra một khoảng trống pháp luật vô cùng rủi ro cho cả cơ quan thực thi lẫn đối tượng thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng về cải cách thủ tục hành chính hiện nay, việc chậm trễ đã kéo trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm người dân và DN nản chí, mất lòng tin.
Đáng nói là những sự chậm trễ này vẫn tính bằng năm, thậm chí tới gần 3 năm như việc sửa đổi luật Đất đai nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại. Còn nhớ cuối năm 2017 trong cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Thông tin - Truyền thông về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nói một câu làm nức lòng người dân và DN: "Văn bản chậm, chỉ có thay người là nhanh nhất". Tại phiên họp mở rộng của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cuối năm 2018 vừa rồi, nhiều đại biểu cũng đề nghị xử lý người đứng đầu cơ quan chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; rồi yêu cầu công khai lý do chậm ban hành văn bản hướng dẫn cho dân biết và quy trách nhiệm cá nhân... Thế nhưng kết quả như nói trên, việc chậm trễ vẫn tiếp tục, chậm trễ ngay trong thời điểm Chính phủ đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân khởi nghiệp, DN kinh doanh. Chậm đến mức Thủ tướng Chính phủ phải hối thúc trình sớm và hỏi đích danh bộ có thẩm quyền rằng bao giờ có nghị định hướng dẫn...
Luật, nghị định, thông tư... đều do con người soạn thảo, ban hành, thực thi. Do đó, "văn bản chậm, thay người là nhanh nhất" là giải pháp đúng đắn nhất, hiệu quả nhất để giải quyết và hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh hiện nay.
Bình luận (0)