Tạo niềm tin cho doanh nghiệp

15/10/2016 05:00 GMT+7

Bộ Công thương từng là đơn vị bị “kêu” nhiều nhất về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, và đến nay nhiều doanh nghiệp cho biết họ cảm thấy mừng vì những vướng mắc, rắc rối này được tháo gỡ chủ yếu tại... Bộ Công thương!

Bộ Công thương đã và đang thực hiện rà soát các thủ tục hành chính, các giấy phép gây trở ngại cho doanh nghiệp (DN) một cách quyết liệt nhất.
Đặc biệt, mới cách đây 3 ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định bãi bỏ Thông tư 37 (TT37) quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Dù chỉ là một quy định tạm nhưng TT37 đã tồn tại và kéo dài hơn 7 năm qua trong sự khốn khổ và tốn kém của hàng ngàn DN.
Trong 7 năm, không đếm hết các cuộc họp hành, hội thảo, kiến nghị, đơn từ phản ánh bức xúc của DN, hiệp hội, giới chuyên gia kinh tế đến các cấp, ngành về sự bất hợp lý của TT37, nhưng đều bất lực. Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng kiến nghị với Chính phủ và Bộ Công thương, ngày 12.10 vừa qua, TT37 đã chính thức được xóa bỏ. Có thể nói, việc đổi mới mạnh mẽ trong tiếp cận vấn đề và nhất là ra quyết định nhanh của Bộ Công thương đã mang lại sự phấn khởi và niềm tin cho hàng ngàn DN dệt may.
Không chỉ TT37, hàng loạt các quy định, các giấy phép bị dư luận, DN phản ánh, bức xúc trong thời gian qua cũng đang được bộ này giải quyết. Cụ thể, Bộ đang xem xét kiến nghị của DN tại Nghị định 19 về kinh doanh gas; đề xuất lùi thời gian ban hành Nghị định về khai thác và kinh doanh khoáng sản để có nhiều thời gian cho Ban soạn thảo lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị chức năng trước khi trình Thủ tướng; đang chuẩn bị bãi bỏ thủ tục hành chính liên quan tới xác nhận khai báo hóa chất; xem xét sửa đổi các quy định về dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo hướng đơn giản hóa nhất cho DN...
Kiểm tra chuyên ngành và thủ tục hành chính đang là vướng mắc lớn nhất làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt so với các DN ngoại. Minh chứng rõ nhất là câu chuyện kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm đối với các DN dệt may nói trên. Ngoài việc mỗi năm mất cả ngàn tỉ đồng chi phí thì thời gian thông quan hàng hóa cũng bị kéo dài. Tính toán cho thấy, giảm được 1 ngày thông quan, chúng ta tiết kiệm được cả 1 tỉ USD mỗi năm.
Tất nhiên, như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, dù mong muốn xóa bỏ rào cản, cải cách thể chế nhưng quá trình thực hiện không hề đơn giản. Điều này cũng dễ hiểu, bởi thực tế đang tồn tại không ít các cơ chế, chính sách gây khó cho nhóm đối tượng này nhưng tạo lợi ích cho một nhóm đối tượng khác; hoặc tạo ra những cánh cửa để DN phải lo lót, chạy chọt, phải đi đêm... Vì thế, sự thay đổi chắc chắn sẽ gây ra không ít xung đột lợi ích mà nếu người đứng đầu không quyết liệt thì rất khó.
Hy vọng bước đi đầu tiên của Bộ Công thương sẽ tạo tiền đề để tháo bỏ hàng loạt các "nút thắt" trong chính bộ này cũng như tạo được sự lan tỏa sang tất cả các đơn vị khác. Bởi để có được môi trường kinh doanh thuận lợi đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị hành chính trong việc rà soát loại bỏ các quy định không cần thiết, cùng đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt nhất để tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN trong hoạt động kinh doanh, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.