Thưởng như Hải Phòng, nên lắm !

12/05/2005 00:45 GMT+7

Cái tin VĐV nhảy cao Bùi Thị Nhung (Hải Phòng) đoạt huy chương vàng (HCV) giải Thái Lan mở rộng (ngoài các nước trong khối ASEAN còn có cả các anh hào như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tham dự) đã làm nức lòng biết bao con tim Việt Nam. Thử hỏi không nức lòng và tự hào sao được khi cô đã vượt qua mức xà 1,94m, cái mức mà chính cô, khi "ẵm" HCV, trở thành Nữ hoàng của châu Á năm 2002 cũng chỉ dừng ở mức 1,88m đã mãn nguyện lắm rồi...


Điều mà tôi muốn đề cập ở câu chuyện "hậu 1,94m" với cô gái làm rạng danh thể thao Việt Nam và cũng là niềm kiêu hãnh của người dân đất cảng Hải Phòng, đó chính là việc đề xuất tức thì của Giám đốc Sở TDTT thành phố Hải Phòng với lãnh đạo thành  phố: thưởng cho Bùi Thị Nhung một lô đất để cô có thể xây được một ngôi biệt thự nhỏ, hy vọng cô sẽ có điều kiện gắn bó với đất cảng thân yêu hơn. Và rồi ngay sau đó, giới doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh lại "đồng thanh tương ứng": Nếu Nhung được thành phố Hải Phòng cấp đất, họ sẽ góp tiền để Nhung đủ xây một ngôi nhà khang trang.

Thật đều là những nghĩa cử đẹp để nhiều địa phương khác tham khảo. Nó thật xúc động bởi vì chúng ta đều hiểu rằng, đằng sau những tấm HCV cao giá của các VĐV tài năng đó là cuộc sống còn đầy khó khăn, nhọc nhằn mà những vị anh hùng ấy phải bươn chải do mức lương vốn đã thấp, tuổi nghề lại không dài, nếu hằng năm có đoạt giải cao chăng nữa thì số tiền thưởng của họ cũng chỉ đủ để phụ giúp cuộc sống trước mắt, chưa đủ lo xa khi họ phải "về hưu", không còn phong độ thi đấu nữa.

Sang một lĩnh vực khác, lĩnh vực âm nhạc và đó là  câu chuyện cách đây đã 1/4 thế kỷ.
Anh bạn học với tôi, nguyên là Tổng biên tập Báo Đồng khởi mới rồi có kể cho tôi về chuyện nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khi ông sáng tác bài Dáng đứng Bến Tre nổi tiếng, khiến người dân xứ dừa luôn xem ông như một công dân danh dự, một thượng khách của họ. Anh kể rằng hồi đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Nguyễn Văn Trung đã viết thư cám ơn nhạc sĩ như sau: "...Tình cờ tôi xem Thu Nở hát Dáng đứng Bến Tre ở Đài Truyền hình TP.HCM, tôi vô cùng xúc động. Thay mặt Đảng bộ và nhân dân Bến Tre, tôi tỏ lòng biết ơn đồng chí...". Điều đó khiến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phải thốt lên: "Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi nghe được một lời nói vô cùng bình dị, vô cùng chân tình của một vị bí thư tỉnh ủy...”.

Thế rồi, để thưởng cho tác phẩm âm nhạc khiến người dân cả nước hiểu hơn về xứ dừa Bến Tre, về quê hương Đồng khởi, lãnh đạo tỉnh đã hội ý, phá lệ nhuận bút hiện hành và đền ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bằng một khoản nhuận bút rất lớn, gấp 20 tháng lương của một vị Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh hồi đó, cùng với một chút kỷ niệm là chiếc cassette rất "xịn" so với lúc bấy giờ. Đành rằng  người dân và lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng hiểu được, không có thứ vật chất nào "đổi ngang" được với tác phẩm vô giá mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã tặng họ.

Tối 8/5 vừa rồi, tôi có đi dự đêm đầu tiên của chương trình mang tên "Con đường âm nhạc" do VTV3 và Honda Việt Nam phối hợp tổ chức. Người được giới thiệu và tôn vinh đêm ấy chính là nhạc sĩ Phú Quang. Người mà theo cá nhân tôi cảm nhận, anh là một trong số ít nhạc sĩ có những nhạc phẩm viết về Hà Nội hay nhất, "gan ruột" với Hà Nội nhất...

Chúng ta có thể điểm tên những nhạc phẩm (hoặc của anh, hoặc do anh phổ thơ) đã làm say đắm lòng người như Hà Nội ngày trở về, Im lặng đêm Hà Nội, Em ơi, Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Mơ về nơi xa lắm rồi Tôi muốn mang Hồ Gươm đi cùng rất nhiều và rất nhiều nữa... Điều khiến tôi xúc động đến nghẹn ngào khi biết một hung tin do chính anh tâm sự, anh đã sáng tác bài Ngọn nến trong tâm trạng của một người đã biết mình mắc bệnh ung thư và hiểu rất rõ thời gian phía trước đang phải tính từng ngày, từng tháng... Rất mong manh nhưng cũng đầy khát vọng.

Mọi người đều hiểu rằng, Hà Nội là mảnh đất linh thiêng và hào hoa để các văn nghệ sĩ lấy cảm hứng sáng tác. Và thực tế, có rất nhiều tác phẩm bất hủ được ra đời. Song, một nhạc sĩ đã rời xa Hà Nội vài chục năm mà sao lòng anh vẫn đau đáu nhớ về Hà Nội và truyền được cảm xúc của mình, nói thay được bao người có tình yêu và nỗi nhớ về mảnh đất ngàn năm văn hiến ấy:

"Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế,  
Như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi
Vội vã trở về, vội vã ra đi..."

 (Hà Nội ngày trở về - Lời của Doãn Thanh Tùng và Phú Quang)

Những người có đóng góp với Hà Nội như anh, tôi nghĩ thành phố Hà Nội cần ghi công và tôn vinh bởi những lời ca ấy, sẽ còn mãi cùng năm tháng, cùng những người con luôn hướng về Hà Nội và cả những người đang sống trên đất Hà Nội biết quý trọng, tin yêu Hà Nội...

Quốc Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.