Tốc độ lạm phát

25/05/2009 08:37 GMT+7

Tổng quan về tốc độ lạm phát có xu hướng tăng lên, căn cứ trên tốc độ tăng giá tiêu dùng vào tháng 5 do Tổng cục Thống kê vừa công bố và những yếu tố tác động theo cảnh báo của các chuyên gia, cũng như ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tái lạm phát trong tương lai gần.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng tháng 5 đã tăng 0,44% so với tháng 4, cao hơn tốc độ tăng trong 2 tháng trước (tháng 3 giảm 0,17%; tháng 4 tăng 0,35%, bình quân 2 tháng trước tăng 0,09%/tháng), cao hơn tốc độ tăng bình quân trong 4 tháng trước (tăng 0,42%/tháng).

Trong những nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng thấp (0,18%, trong đó lương thực giảm 0,37%, thực phẩm tăng 0,3%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,38%); nhóm ngoài hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,63%, trong đó có một số nhóm còn tăng cao hơn. Giá tiêu dùng khu vực thành thị tăng cao hơn hơn khu vực nông thôn.

Từ diễn biến trên, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.

Giá lương thực, thực phẩm tăng thấp. Đây là đặc điểm nói lên nhiều điều. Một, người nghèo, người có thu nhập thấp bớt khó khăn do tỷ trọng trong chi tiêu cho ăn uống lớn đã không tăng cao. Hai, nếu những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã góp phần kiềm chế lạm phát, thì nay một lần nữa lại góp phần ngăn chặn nguy cơ tái lạm phát, nhờ lương thực được mùa, chăn nuôi đã phục hồi sau Tết Nguyên đán. Ba, các gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng đến khu vực doanh nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thành thị nhanh hơn là đến khu vực hộ nông nghiệp, nông thôn, làng nghề... trong khi thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán của khu vực này thấp, còn số dân nhiều gấp ba và tỷ lệ nghèo ở đây cao gấp bốn lần thành thị.

Vấn đề đặt ra là kích cầu nông nghiệp, nông thôn, nông dân cần được coi là trọng điểm của kích cầu.

Giá nhóm hàng ngoài nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao hơn nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Điều đó, một mặt chứng tỏ việc kích cầu đầu tư, tiêu dùng đã có tác động đối với việc sản xuất công nghiệp- dịch vụ cả ở đầu vào (giảm chi phí vốn, giảm, giãn thuế), cả ở đầu ra (tiêu thụ sản phẩm); mặt khác, việc kiềm chế tái lạm phát cũng cần đặt ra từ bây giờ. 

Lạm phát tháng 5 dù chưa phải là cao, nhưng không thể chủ quan. Cảnh báo này xuất phát từ tác động "cộng hưởng" của nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý là một lượng tiền lớn đang chảy vào chứng khoán, vàng, bất động sản, nếu các thị trường này lạnh trở lại sẽ tạo sức ép tăng giá hàng hóa và dịch vụ.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.