Vượt dốc đi lên

31/12/2009 00:02 GMT+7

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bùng nổ vào quý 4/2008, cộng hưởng với hiệu ứng phụ của việc kiềm chế lạm phát đã tác động lớn đến nền kinh tế nước ta. Đứng trước diễn biến trên, đã có không ít những dự báo xấu.

Tuy nhiên, VN đã không bị cuốn hút vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng, không có ngân hàng nào bị đổ vỡ; việc phá sản hàng loạt các doanh nghiệp không xảy ra. Tình trạng mất việc và thiếu việc làm không lớn như dự báo đầu năm, nay đã thu hút trở lại…

Kinh tế không bị suy thoái mà chỉ bị suy giảm về tốc độ tăng trưởng - tức là vẫn tăng trưởng dương. Tăng trưởng kinh tế sau khi bị rơi xuống đáy vào quý 1/2009 (chỉ tăng 3,14% - thấp nhất so với cùng kỳ trong hai chục năm qua), từ quý 2 đã tăng lên với tốc độ tăng của quý sau cao hơn tốc độ tăng của quý trước (quý 2 tăng 4,46%, quý 3 tăng 5,76%, quý 4 đạt trên 6,8%) và tính chung cả năm ước tăng 5,2%.

Như vậy mô hình tăng trưởng GDP của VN trong năm qua đã không diễn biến theo hình chữ U (xuống đáy nằm ở đó lâu rồi mới tăng trở lại), chữ W (tức là hai lần xuống đáy), càng không phải chữ L (rơi xuống đáy, rồi nằm ở đó rất lâu, chưa biết bao giờ mới đi lên) mà là hình chữ V. Quan trọng hơn, tăng trưởng GDP chỉ xuống đáy trong một quý, sau đó đã vượt dốc đi lên trong 3 quý liên tiếp.

Tốc độ tăng trưởng như trên là rất có ý nghĩa, khi đạt được trong điều kiện của cuộc khủng hoảng, cao nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng chỉ có khoảng 12 nước tăng trưởng dương; khi đạt được cùng với việc kiềm chế lạm phát cả năm dưới 7%, thấp chỉ bằng một phần ba năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra.

Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành (nông, lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ). GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo ước tính ban đầu có thể đạt trên 1.060 USD, cao hơn mức 1.034 USD của năm trước.

Đạt được kết quả trên do nhiều yếu tố và đây cũng là bài học kinh nghiệm cần được rút ra. Mục tiêu ưu tiên đã được chuyển đổi kịp thời từ kiềm chế lạm phát sang ngăn chặn suy giảm tăng trưởng kinh tế. Xác định đúng điểm yếu và chọn giải pháp chủ yếu phù hợp, trong đó nổi bật là cấp bù lãi suất. Đã có sự phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận giữa Chính phủ, doanh nghiệp và công chúng. Bên cạnh việc xác định mục tiêu ưu tiên và giải pháp chủ yếu, đã lường đến hiệu ứng phụ để xử lý.

Nội lực và ngoại lực đã được kết hợp tốt hơn: vừa tranh thủ mở rộng mặt hàng, tăng lượng xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu, vừa quay về khai thác thị trường trong nước; vừa tăng mạnh vốn đầu tư trong nước, vừa tranh thủ nguồn vốn nước ngoài (đạt kỷ lục về ODA). Đã kết hợp việc sử dụng biện pháp tình thế và biện pháp cơ bản. Đã kết hợp tốt hơn giữa “bàn tay hữu hình” của Nhà nước và “bàn tay vô hình” của thị trường. Công tác dự báo và phân tích kinh tế đã có sự chuyển động khá hơn.

 “Thoát đáy, vượt dốc đi lên” có nghĩa là chưa phục hồi, muốn phục hồi, hơn nữa là phục hồi vững chắc, đòi hỏi cần rút ra những bài học kinh nghiệm những năm trước, khắc phục nhanh những hạn chế bất cập và thách thức trước mắt. 

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.