Thảo luận tại Quốc hội về báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ và các cơ
quan của Quốc hội tuần qua, có đại biểu đề cập đến một chi tiết khá thú
vị. Nhưng rất tiếc, ít người chú ý.
Ông nói đại ý rằng, những bất cập tồn tại dai dẳng như thủ tục hành chính rối rắm, bộ máy biên chế cồng kềnh, tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng đều có chung một nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân không tốt. Mặc dù, điều này (ý thức chấp hành pháp luật -NV) có ý nghĩa then chốt nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Và nó tác động rất lớn, gây tác hại đến môi trường đầu tư kinh doanh, trật tự an toàn xã hội và mọi mặt đời sống của nhân dân.
Về mặt nguyên tắc, ý thức chấp hành pháp luật tốt là 1 trong 3 trụ cột quyết định một quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vững chắc (cùng thể chế tốt và nguồn nhân lực chất lượng). Thế nhưng, tại các phiên thảo luận suốt tuần qua, các đại biểu đã chỉ ra thực tại: ý thức chấp hành pháp luật ở ta đã đi xuống đến mức báo động! Kinh tế càng phát triển thì ý thức chấp hành pháp luật của người dân càng kém, hay nói cách khác là sự coi thường pháp luật càng trắng trợn, ngang nhiên. Người ta nhờn luật đến mức, việc vi phạm pháp luật trở thành việc bình thường. Nhẹ thì ra đường vi phạm luật giao thông, nặng thì vi phạm pháp luật, tham nhũng, hối lộ.
Cũng là người Việt, nhưng khi ra nước ngoài thì chấp hành pháp luật về giao thông, trật tự, vệ sinh rất nghiêm túc, nhưng khi quay về VN họ lại vi phạm. Điều đó cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật của người dân kém, mà người ta thường viện dẫn cho những lộn xộn về trật tự xã hội, không phải là bản chất của người Việt mà nguyên nhân chính là bất cập, yếu kém trong quản lý nhà nước nói chung. Ở một khía cạnh nào đó, quản lý nhà nước không đủ sức áp đặt thi hành luật pháp.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng bắt đầu là việc khả năng chấp hành pháp luật của chính các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước không cao, hay nói cách khác chính họ dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật, bằng cách này hay cách khác. Vượt đèn đỏ, chạy xe quá tốc độ, chở quá tải… đều có thể được giải quyết bằng thủ tục “đầu tiên” với bất kỳ viên chức hành pháp nào. Người dân và doanh nghiệp “chịu chi” dưới gầm bàn sẽ được việc nhanh hơn là đường đường thủ tục. Lâu dần thành quen, người ta hành xử theo thói quen bản năng, từ những việc nhỏ nhất, hơn là quan tâm đến việc luật pháp quy định như thế nào. Thái độ coi thường pháp luật từ đó mà ra.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân là việc cần phải làm. Nhưng trước khi kêu gọi người dân tuân thủ luật pháp, các cơ quan nhà nước phải bảo đảm cơ chế áp đặt pháp luật hiệu quả. Nên bắt đầu từ việc các công chức nhà nước tôn trọng luật pháp tuyệt đối, gắn với chống tham nhũng.
Bình luận (0)