>> NHƯ LỊCH
Nguyễn Thanh Trọng là nhân vật của bài viết Ước“đổi mạng” cho con có giấy tờ!, trong loạt bài Những người “vô hình” (đăng trên Thanh Niên từ ngày 26 - 28.12.2017). Sau hành trình bảy năm đằng đẵng cùng mẹ đi làm giấy tờ tùy thân, nhiều lúc tưởng đã chìm dưới đáy tuyệt vọng, cuối cùng Trọng đã có thẻ căn cước công dân. Từ mùa xuân này, chàng trai nhen nhóm hy vọng mở ra chương đời mới cho bản thân và gia đình mình.
Một buổi chiều cuối tháng 11.2018, Nguyễn Thanh Trọng hồi hộp bước vào trụ sở Công an quận 12, TP.HCM. Ở tuổi 27, anh run run đón nhận thẻ căn cước công dân được cấp lần đầu ghi tên họ của mình (do Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an ký ngày 20.11.2018). Trước đó, cảm giác sắp chính thức trở thành một công dân khiến anh bồn chồn với những đêm trắng.
Trọng cho rằng việc nhập hộ khẩu và nhận thẻ căn cước công dân đối với nhiều người có lẽ là điều bình thường và hiển nhiên. Nhưng với những thân phận “vô hình” lâu năm do không có giấy tờ tùy thân như anh, đó là sự kiện vô cùng lớn lao. Vì vậy, anh đã đánh dấu cột mốc quan trọng của đời mình: “Mẹ sinh tôi vào ngày 16.10.1991. Nhà nước cho tôi ‘chào đời’ vào ngày 20.11.2018”.
Người đầu tiên Trọng muốn chia sẻ ngay niềm vui này là mẹ (bà Phùng Thị Hợi). Nhưng, anh chỉ còn biết tâm sự với bà qua di ảnh: “Mẹ ơi, bao nhiêu năm vất vả đi chứng giấy tờ, mẹ đều đồng hành với con. Vậy mà hôm nay chỉ mình con về đích... Con đang làm hồ sơ cho em (em của Trọng là N.T.T.Thủy, 21 tuổi, nữ sinh viên năm cuối Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM – PV) để sau này em tìm việc làm ổn định, mẹ an lòng nhé”.
Như thông tin đã nêu, bà Hợi quê ở xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Thời trẻ, bà đi thanh niên xung phong rồi ở lại miền Nam. Từ năm 1996, mẹ con bà thuê trọ tại phường 9, quận 3, TP.HCM.Thời điểm ấy, bà bị thất lạc giấy tờ tùy thân và không có điều kiện về quê làm lại. Suốt hơn 20 năm, người mẹ đơn thân này lăn lộn kiếm sống bằng nghề bơm vá, sửa xe trên vỉa hè để nuôi hai con ăn học. Không có giấy tờ nên mẹ con bà Hợi gặp vô số trở ngại trong vấn đề tìm việc làm, học hành, khám chữa bệnh, trong những sinh hoạt hằng ngày.
Thấm thía cảnh sống bấp bênh và thiệt thòi đủ đường, từ năm 2011, bà Hợi cùng con trai là Nguyễn Thanh Trọng dốc sức đi làm giấy tờ, nhất là khi chị ruột của bà ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12 đồng ý cho Trọng nhập hộ khẩu. Đến tháng 5.2012, Trọng đã được cấp sổ tạm trú dài hạn (KT3). Tuy nhiên, sau đó Trọng bế tắc trong việc nhập hộ khẩu vào nhà người dì. Trọng chia sẻ: “Mẹ con tôi hạn chế về kiến thức pháp luật, trong khi lại thiếu sự hướng dẫn tận tình. Mặt khác, có những quy định như ‘làm khó’ chúng tôi, chẳng hạn tôi không biết đi về đâu chứng giấy xác nhận độc thân để nộp theo yêu cầu…”.
Trong bài viết Ước “đổi mạng” cho con có giấy tờ!, bà Hợi từng xót xa: “Bệnh tật có thể khiến tôi chết ngay bây giờ cũng không sợ bằng cảnh con tôi mãi là người vô thừa nhận. Nếu có ai bảo tôi thế mạng để con có giấy tờ, tôi cũng sẵn sàng!”.
Những tháng đầu năm 2018, mẹ con bà Hợi tiếp tục làm lại hồ sơ nhập khẩu nhưng cũng thất bại. Tâm lý bị ảnh hưởng, sức khỏe sa sút trầm trọng và đột ngột gặp tai biến, ngày 4.7.2018, bà Hợi nhập viện cấp cứu trong tình trạng “ba không”: không giấy tờ tùy thân, không bảo hiểm y tế, không tiền bạc chữa chạy. Chúng tôi viết bài kêu gọi và bạn đọc Báo Thanh Niên đã hỗ trợ cho bà số tiền lớn để chữa bệnh. Đáng tiếc, bà đã mất vào giữa tháng 7.2018. Trước khi từ giã cõi đời, bà khao khát có giấy chứng minh nhân dân để kịp về thăm quê hương lần cuối. Đặc biệt, bà đau đáu lo chuyện giấy tờ tùy thân của hai đứa con mồ côi.
Từ các bài viết: Ước “đổi mạng” cho con có giấy tờ!, Người đàn bà cùng quẫn… đăng trên Báo Thanh Niên, Hội đồng nhân dân TP.HCM, Ban giám đốc Công an TP.HCM, một số bộ ngành trung ương và địa phương đã vào cuộc, chỉ đạo ráo riết các đơn vị liên quan tạo mọi điều kiện hỗ trợ hai người con của bà Hợi có giấy tờ tùy thân.
Và, phép màu đã đến, trước mắt là với anh Nguyễn Thanh Trọng: Ngày 17.10.2018, Trọng được nhập hộ khẩu vào nhà người dì ruột ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Đến ngày 20.11.2018, Trọng được cấp thẻ căn cước công dân!
Nguyễn Thanh Trọng từng học ngành đầu bếp tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO. Hơn 5 năm trước, Trọng được tuyển dụng làm trưởng bộ phận bếp Âu, bếp phó ở một số nhà hàng lớn, với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do không có chứng minh dân dân để bổ túc hồ sơ, Trọng đành từ giã nghề đầu bếp. Anh “dạt” ra ngoài đường, làm những việc tạm bợ với thu nhập bấp bênh, bữa no bữa đói. Mấy tháng nay, anh nhờ bạn bè đứng ra bảo lãnh làm nhân viên giao hàng (shipper).
Ngay sau khi có thẻ căn cước công dân, Trọng đã nộp đơn tìm việc đầu bếp. “Đây là nghề tôi rất đam mê và được đào tạo bài bản. Tôi nghĩ khi mình trở lại công việc này, mẹ tôi sẽ rất vui, còn tôi có cơ hội tạo dựng tương lai cho bản thân và đóng góp với xã hội”, Trọng bộc bạch.
Nhớ lại quãng đời dằng dặc làm “người vô hình”, Trọng còn ám ảnh những lần bị xét hỏi do không có giấy tờ tùy thân. Lần gần đây là chiều 6.11.2018, khi đang đi giao hàng trên địa bàn quận Tân Bình, Trọng bỗng “được mời” về phường để… thử nước tiểu, kiểm tra có sử dụng ma túy hay không. Nhìn bộ dạng xơ xác của Trọng, một anh công an hỏi Trọng có chơi ma túy không? Trọng đáp: “Dạ không, em có thời gian đâu mà chơi. Từ sáng sớm tới tối mịt lo đi làm kiếm sống”. Khi được hỏi tiếp: “Sao ốm quá vậy?”, Trọng thật thà: “Tại em ăn uống không đầy đủ như người ta. Với lại, ốm còn do di truyền nữa anh, chứ đâu phải vì chơi ma túy”. Theo Trọng, may mà lúc đó anh đã có phiếu hẹn trả thẻ căn cước công dân, nên được cho ra sớm.
Trọng kể đã có lúc anh ao ước trúng số độc đắc, nhưng rồi anh rút lại điều ước đó vì không biết làm sao lãnh tiền! Từ đó, anh xác định mua vé số cốt để giúp trẻ em nghèo, người già cả, tật nguyền.
Do không có giấy tờ tùy thân, lắm lúc Trọng có cảm giác mình là “người rừng” lạc lõng giữa xã hội hiện đại. “Có căn cước công dân và hộ khẩu, tôi sẽ thực hiện nhiều quyền công dân của mình mà trước nay tôi chưa được hưởng, chưa được tiếp cận. Nhiều lúc tôi ngỡ như mình đang mơ, đang bước trong thế giới với nhiều điều lạ lẫm”, Trọng tâm tình.
Dẫu niềm vui không trọn vẹn và khá muộn màng, Nguyễn Thanh Trọng vẫn tin rằng nơi chín suối, người mẹ giàu lòng hy sinh cho con cái đã mỉm cười mãn nguyện.
Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Ngọc Dương