Chắp những "mảnh vỡ " của quan họ cổ

05/05/2008 22:29 GMT+7

Di sản quan họ hiện được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ VH-TT-DL lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tháng 9.2009, UNESCO sẽ có thông báo chính thức về việc công nhận hay không loại hình di sản này. Nhưng làm gì để loại hình nghệ thuật này vẫn giữ nguyên tinh hoa của nó?

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa - Thông tin) cùng Câu lạc bộ Quan họ làng Đặng Xá (Bắc Ninh) đang thử nghiệm bảo tồn không gian văn hóa quan họ bằng mô hình "lấy quan họ nuôi quan họ". Cuộc thử nghiệm đầu tiên đã diễn ra vào cuối tuần qua tại Đặng Xá. Ông gọi cuộc thử nghiệm này là "chắp nhặt những mảnh vỡ quan họ cổ", thực chất là tour du lịch dành cho những người yêu thích quan họ cổ, bao gồm: tham quan các di sản vật thể, phi vật thể liên quan đến lịch sử dân ca quan họ Bắc Ninh, thưởng thức ẩm thực truyền thống xứ Kinh Bắc, giao đãi bằng trầu têm cánh phượng theo cách của người quan họ, và cuối cùng là nghe một canh hát quan họ cổ không có đệm đàn, với các giọng lề lối, giọng vặt... Trong đó, nghệ nhân tham gia diễn xướng đều là các liền anh liền chị không chuyên của làng Đặng Xá, chứ không phải là các diễn viên, văn công chuyên nghiệp.

 "Sở dĩ như vậy là vì chúng tôi muốn bảo tồn không gian quan họ làng, tức quan họ cổ, chứ không phải là quan họ đã được sân khấu hóa", ông Hiền nói. Nhà nghiên cứu này đã "sốc" khi chứng kiến các liền anh liền chị hát trên những chiếc thuyền tôn và ngửa nón xin tiền. Vì vậy, tổ chức cho các nghệ nhân nghiệp dư diễn xướng trong không gian công cộng, kết hợp văn hóa với du lịch, "lấy quan họ để nuôi quan họ" là một trong những biện pháp "cứu" quan họ trước khi nó vĩnh viễn biến mất.

Thật ra, từ trước đến nay, việc bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, gồm cả quan họ, đã được Nhà nước quan tâm. Nhưng không phải cứ rót thật nhiều tiền là giải quyết được mọi khúc mắc. Bởi lẽ, cần phải có sự hiểu biết để bảo tồn đúng cách, đúng

Quan họ là nghệ thuật dân gian, có đầy đủ tính truyền miệng, tính tập thể, tính truyền thống và tính sáng tạo, với sự tham gia chỉnh lý, cải biên của nhiều người, ở nhiều nơi, qua nhiều thế hệ trước sau, do đó mà có nhiều dị bản. Những dị bản trong dân ca quan họ không phải chỉ có sự khác nhau về lời ca, về giai điệu âm nhạc, mà còn khác nhau về thang âm, tiết tấu, bố cục và thủ pháp sáng tạo. Chính nghệ nhân cũng có những cách hát khác nhau qua những thời kỳ khác nhau. Tùy thuộc tình cảm, tâm lý, sức khỏe mà cách lấy hơi và phát âm cũng khác nhau...
bài bản. Đã có rất nhiều cách bảo tồn được đặt ra đối với di sản quan họ. Thậm chí, "sân khấu hóa", chuyên nghiệp hóa cũng được coi là một xu hướng, mặc cho các nhà nghiên cứu tâm huyết ra sức phản đối. Mô hình bảo tồn tốt nhất mà UNESCO đề xướng là bảo tồn trong cộng đồng, trong chính môi trường diễn xướng của loại hình nghệ thuật dân gian đó. Và, hơn ai hết, chính cộng đồng sở hữu di sản phải ý thức được giá trị sản phẩm văn hóa của mình, để rồi gìn giữ nó, phát huy nhân rộng nó. "Còn bảo tồn như cách làm hiện nay là xuân thu nhị kỳ, Nhà nước rót tiền đầu tư, rót kinh phí thực hiện các dự án nghiên cứu sưu tầm nhưng nghiên cứu xong, sưu tầm xong thì băng đĩa, tư liệu cất kho, khiến cho di sản bị đông cứng", nhà nghiên cứu Phạm Đức Hân (Viện Bảo tồn di tích) bức xúc.

Sức hấp dẫn của dân ca quan họ là ở sự rung động, sự phản ứng trực tiếp của người nghe và người xem ngay trong lúc những liền anh liền chị tiếp khách và say sưa ca hát, đặc biệt khi tiếng hát này mang tính chất ứng tác. Ở đây, người sáng tác cũng đồng thời đóng vai trò của người biểu diễn, người thưởng thức, và người phê bình nghệ thuật. Vì thế, tác động thẩm mỹ của loại hình diễn xướng dân gian này sẽ giảm sút hẳn đi nếu nó được cảm thụ qua sách báo, màn ảnh, đĩa hát hoặc băng ghi âm. Do vậy, bảo tồn theo cách kết hợp với du lịch, "lấy mỡ nó rán nó" và do chính cộng đồng tổ chức là một mô hình cần khuyến khích. Điều đáng nói, bảo tồn giá trị văn hóa cổ truyền trước sự mai một trong đời sống hiện đại không chỉ là câu chuyện của quan họ, mà còn là câu chuyện của rất nhiều loại hình di sản phi vật thể khác, như diễn xướng cồng chiêng, hát kể sử thi, ca trù... Thực tế cho thấy, không chỉ quan họ mà không gian diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên, diễn xướng sử thi cũng bị mai một là do không chịu nổi sức ép thương mại. Không thể phủ nhận giá trị kinh tế của một sản phẩm văn hóa. Thế nhưng, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ: cách thức bảo tồn, khai thác sản phẩm văn hóa đó như thế nào để nó vừa sinh lợi lại vừa không bị méo mó, dị dạng.

Như vậy, phục hồi quan họ theo lối cổ sẽ gặp không ít khó khăn vì quan họ là loại hình diễn xướng tập thể, luôn luôn biến đổi và có vô vàn biến thể. Thôi thì, thay vì nêu ra những cảnh báo chung chung về các nguy cơ, hãy tranh thủ những ưu thế của cơ chế thị trường để vừa khích lệ người Kinh Bắc giữ gìn, phát huy quan họ vừa tạo điều kiện cho họ được hưởng lợi từ chính di sản của mình!

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.