Những điệp khúc buồn
Chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2007 đã có hàng chục trường hợp với hàng ngàn thùng hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị trả về, bị cảnh báo thậm chí bị nước ngoài áp dụng biện pháp đình chỉ xuất khẩu đối với doanh nghiệp (DN) vi phạm. Bản tin của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) liên tiếp xuất hiện những cảnh báo từ phía cơ quan quản lý nước ngoài. Trong tháng 4.2007, gần 30 lô hàng của các DN Việt Nam bị cơ quan kiểm soát thực phẩm Mỹ (FDA) trả về với lý do nhiễm kháng sinh và các tạp chất kháng. Tháng 5, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã liên tiếp cảnh báo 11 DN Việt Nam. Đầu tiên là các lô hàng tôm của 6 DN gồm Viet Phu Foods and Fish Co., Ltd; Agrex Saigon Exp, Camau Seafood, Amanda Food, Binh Them Co. Ltd, Khanh Hoa Seafish Co., Ltd bị phát hiện dư lượng chất kháng sinh chloramphenicol, AOZ và Semicarbazide khi kiểm tra tại cảng nhập khẩu Nhật Bản. Sau đó vài ngày, lại có thêm 5 DN nữa bị cảnh báo với lý do tương tự. Trong số này có cả những DN đang nằm trong danh sách được phép xuất khẩu vào Nhật mà không bắt buộc phải kiểm tra hóa chất cấm. Với những vi phạm trên, ngay sau đó, Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan Việt Nam thông báo về việc loại bỏ một số DN trong số các DN nói trên ra khỏi Danh sách được phép xuất khẩu vào Nhật mà không bắt buộc phải kiểm tra hóa chất cấm (tổng số DN được xuất khẩu sang Nhật Bản không phải kiểm tra hóa chất kháng sinh cấm hiện nay khoảng 300 DN).
Không chỉ ở Mỹ và Nhật, thủy sản Việt Nam cũng tiếp tục gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc. Cuối tháng 5 vừa qua, Cục Kiểm nghiệm kiểm dịch tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã phát hiện chất chloramphenicol vượt quá tiêu chuẩn cho phép (0,10 mg/kg) trong 1 lô tôm nõn đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam của Công ty Nachimex Co., Ltd với trọng lượng 1.150 thùng/13.800 kg. Ngay sau đó, Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam tạm thời đình chỉ việc xuất khẩu thủy sản của DN này sang Trung Quốc, đồng thời phía Trung Quốc cũng cho biết muốn khôi phục việc xuất khẩu của DN này phải thông báo trước tình hình kiểm tra có liên quan cho Trung Quốc để họ tiến hành kiểm tra xác nhận. Sau khi xảy ra những trường hợp trên, VASEP đều có thông báo gửi đến các hội viên khuyến cáo phải kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng, thế nhưng "điệp khúc buồn" trên vẫn cứ lặp lại dù nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu đang ngày càng lộ rõ.
Lực bất tòng tâm
Theo Bộ Thủy sản, mục tiêu xuất khẩu thủy sản trong năm nay đạt kim ngạch 3,75 tỉ USD. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 1,335 tỉ USD bằng 37,08% kế hoạch, tăng 21,87% so với cùng kỳ năm 2006. Trong khi xuất khẩu cá tăng mạnh thì xuất khẩu tôm chững lại. Từ tháng 4 đến tháng 5.2007, tôm đông lạnh xuất khẩu chỉ đạt kim ngạch gần 90 triệu USD. |
Trước thực trạng này, không thể không lo lắng cho sức khỏe của người tiêu dùng trong nước. Nhiều lô hàng xuất khẩu dù đã qua nhiều khâu kiểm định nhưng vẫn tồn dư hóa chất trong khi các loại thủy sản mà người tiêu dùng trong nước sử dụng hằng ngày chẳng phải qua khâu giám sát chất lượng nào. Đặt vấn đề này với Thứ trưởng Lương Lê Phương, ông lắc đầu: "Theo quy định là có, nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được, chưa làm chặt chẽ và hầu như đang thả nổi".
Quang Thuần
Bình luận (0)