Thằng Bi lại nhậu say, lại về quậy! Nó, cũng như mọi lần, đập phá
tan tành hết mọi thứ mà người đàn ông lẽ ra nó phải gọi là dượng mua về
cho má nó.
Nó không cần - thằng Bi lèm bèm chửi trong từng nhát đập của nó. Bà Liên ngoài ngồi ôm mặt khóc, chẳng biết làm gì hơn. Thằng Bi là con trai bà, không tính tới chuyện nó là thằng con trai duy nhất trong nhà, chỉ cần nghĩ, nó là đứa do bà dứt ruột đẻ ra, bà sao nỡ làm gì nó?!
Hồi thằng Bi chỉ vừa bảy tuổi, má nó chịu không nổi những trận đòn ghen của ba nó, nên nách nó, cùng chị gái nó ra đường lắt lay. Ông Hồng ba nó không phải không đoái tới. Cũng con ông, cũng những đứa trẻ cho ông biết thế nào là giá trị cuộc đời, cũng những kết tinh của cuộc tình đói rách giữa ông và bà Liên, sao ông có thể không thương được? Chỉ có điều, ông ghen. Mà, vì cứ nuôi cái suy nghĩ có sức giày vò con người ta khủng khiếp đó, ba thằng Bi đâu có dễ dàng để cho bà Liên có thêm người đàn ông nào khác trong đời, ngoài ông. Vậy nên, cứ để bà đem đám nhỏ đi. Có tụi nó, chắc chắn bà không thể nào yêu đương chi được.
Chị Xíu - tức chị hai thằng Bi - luôn động viên thằng Bi không được hận ba. Không phải vì bản tính con gái nhu hơn, dễ cam chịu hơn đâu, mà vì chị hiểu, hận thù người đàn ông chị và thằng Bi gọi bằng cha, chỉ tổ để bà Liên thêm đau khổ. Nên, không quên được những trận đòn vạ lây từ cơn giận ba trút lên đầu má, không quên được hình ảnh má vừa cặm cụi cởi giày rửa chân, vừa cố chịu đòn, chị Xíu cũng phải động viên thằng Bi, như chị tự động viên mình, cố mà quên đi hết. Không quên, hai chị em bằng kiểu gì để làm lại từ đầu với má mình?!
Con nhà bà Liên, khổ là vậy, tủi hổ là vậy, nhưng chưa từng đứa nào bị mang tiếng là mất nết hư thân. Thằng Bi càng lớn càng ra dáng đàn ông. Nó quán xuyến hết những chuyện mà một người đàn ông trong gia đình phải quán xuyến. Con trai tuổi mộng tuổi mơ, nhưng nó không chừa cho mình tới một hai ngày trong năm để bạn bè, trai gái, nó chỉ biết cắm mặt vô mấy thúng hàng của má nó, kiếm tiền, lo chị Xíu đi học, đỡ đần má chuyện áo cơm. Nó thi thoảng ghé nhà ba nó, hai cha con rỉ rả nhậu như hai thằng đàn ông, luận bàn sự đời, đánh cờ tướng.
Thằng Bi cũng đã đủ lớn để có vợ, sinh con. Nhưng, chắc còn lâu lắm nó mới đủ trưởng thành để hiểu đúng, hiểu đủ tại sao ba má nó lại ra nông nỗi này. Nó không còn trách ba nó nữa, cho dù những cảnh tượng ba nó đánh má nó, đánh tụi nó, đập nát cửa nát nhà vẫn thi thoảng hiện về trong cơn mơ của một thằng đàn ông khát trưởng thành. Nhưng, sự thật là nó không trách ba nó. Thậm chí, thằng Bi tin, sau chừng đó năm cứ phải lại qua thăm tụi nó như một người ngoài, ba nó đã thấm đủ cái cảm giác cô đơn, tội lỗi. Nên, thằng Bi cứ có cơ hội là rủ rỉ, đánh tiếng hỏi má nó, có muốn quay lại với ba không?
Má nó không quay lại. Không biết vì bà không thể tha thứ cho những điều vô lý đã phải chịu đựng hơn chục năm trời? Hay là vì, tình cảm của bà đã nguội lạnh, thêm non hai chục năm không chồng, con bà đã chấp nhận rõ ràng cái sự thật cha mẹ tụi nó chia tay, nên bà không có bất kỳ lý do gì để quay trở lại. Chị Xíu không, thằng Bi cũng không... không đứa nào buồn vì quyết định dứt dạt của má tụi nó. Má không muốn, thì thôi. Chỉ thương ba, ông cũng già rồi, cứ cui cút một mình, biểu không xót, thì tụi nó thành ra bất nhẫn.
Bà Liên đẹp, tới tận bây giờ, trải qua hàng trăm trận đòn tàn bạo của chồng, trải qua hai chục năm lăn lộn một mình nuôi con, bà vẫn đẹp. Dĩ nhiên, không phải theo kiểu mày cong mắt xếch, cũng không phải hợp son hợp phấn và giỏi điểm trang. Bà Liên đẹp, theo cái kiểu mặn mà của một người đàn bà giỏi chu toàn mọi việc và biết cách tự tin với cái đẹp của chính mình.
Bà Liên ra chợ, ôm mấy thúng hàng, với cái kiểu tay năm miệng mười của bà, thêm kiểu tiện tặn vừa phải, lại có hai đứa con giỏi lam giỏi làm, ngoan ngoãn, bà không những có nhà có cửa, mà thậm chí còn sang cả được mấy cái sạp hàng đàng hoàng, tiền tỉ cho hai con của bà, mỗi đứa một cái. Riêng bà, vẫn cứ thói quen bán da dẻ trắng muốt của mình cho cái nắng gay gắt, cho những chiều sương lạnh với mấy thúng hàng của bà. Bà không nghĩ đó là nghiệp, mà nghĩ đó là duyên.
Bà Liên càng giỏi bao nhiêu thì ông Hồng càng bất lực với cái mong muốn được quay trở lại với bà bấy nhiêu. Không phải vì thành giàu mà bà Liên coi khinh ông - tính bà không phải vậy. Mà là vì, tự thân ông luôn nghĩ, hình như, dứt nợ với ông, bà Liên rảnh rang tay chân nên mới có thể thể hiện hết bản lĩnh của bà. Từng đó năm nuôi con một mình, gầy dựng cho tụi nó nền tảng cuộc sống vững vàng đến mức ai nhìn vô cũng ghen tị, chưa một lần ngửa tay mở miệng xin ông một đồng trợ cấp cho con. Biểu ông Hồng đừng mặc cảm, đừng tủi thân, sao đặng.
Nên chừng, hay tin bà Liên có người nách thúng phụ, ông Hồng tự nhận ra, mình không còn quyền để ghen, thậm chí, tới suy nghĩ ghen tuông cũng không còn nữa. Thời gian bào mòn con người ta bằng xúc cảm hối lỗi lớn đến độ, bỗng nhiên rồi họ trở thành giản đơn và tích cực, đến độ họ rồi ngộ ra được những thứ mà không cần ai phải răn dạy họ tới một lần. Ừ, thì từng ấy năm họ đã sống không cần ông, thôi thì, cứ để thêm từng ấy năm nữa, hoặc dài hơn nữa, họ tự sống cuộc đời của họ.
Chuyện chú Tiến ngày ngày đỡ thúng phụ má rồi cũng tới tai thằng Bi. Đó là một chiều mưa, khi nó và con bạn gái của nó ngồi đánh bài với nhau. Thiệt, không hiểu, sao cái tính thằng Bi vậy mà lại đi chọn con bạn gái vậy. Con nhỏ lấy chồng từ năm vừa tròn mười tám, chạy tiếng đời có chửa không chồng. Hai mốt tuổi, sau khi cái thai hư và vài lần hư nữa, nó bỏ chồng, theo trai. Bi là thằng thứ bao nhiêu nó chạy theo để bỏ lại một người khác sau lưng, không ai thật sự biết, vì chắc, tự con bạn gái của Bi cũng chẳng biết nữa mà. Chị Xíu đi thẳng tới hàng thằng Bi, khoe, Bi, má có chú nào theo kìa. Bi ngẩng lên, ngỡ ngàng một lát, làm quen với chuyện má mình rồi phải đi tìm hạnh phúc cho bà một lát, cười hiền. Con bạn gái của thằng Bi khẩy một cái, không rõ ràng là hấm hứ, mà cũng chẳng phải là cười, nó nói trỏng, phải thôi, nhà má to, má có tới mấy cái sạp tiền tỉ, người ta bu vô là chuyện bình thường.
Không biết thằng Bi có bị ảnh hưởng bởi câu nói đó của bạn gái nó không, mà nó gằm ghè chú Tiến từ hồi đó. Chiều, nó ra đèo má về nhà ăn cơm như mọi ngày. Má biểu nó cứ về trước, lát má có người chở về sau. Bi biết, má nó sắp sửa tuyên bố mối quan hệ của bà với người đàn ông kia, và nó thấy khó chịu khi cuộc sống gia đình nó bắt đầu đổi khác vì sự xuất hiện của người đàn ông này.
Ở cái lần gặp mặt đầu tiên, dẫu không có bạn gái, thằng Bi vẫn cứ nhăn nhăn nhó nhó, không nói thành lời, nhưng thái độ của nó rõ ràng ràng chuyện nó không đồng tình với mối quan hệ của má nó và chú Tiến. Chú Tiến hình như biết thân, nên cứ lặng im gắp đồ ăn và cơm vô thức, rồi tìm lý do để ra về. Bà Liên chạy theo, hỏi sao, chú Tiến chỉ buồn buồn nói, già rồi, sống còn được bao nhiêu nữa đâu mà làm khổ người khác.
Không biết vì thương nhau đã đủ, hay là vì hai tâm hồn cô đơn kia khát hạnh phúc đến độ không thể tách rời nhau, mà bà Liên quyết định vứt thúng, sang cái quán cà phê nho nhỏ để có chỗ ra vô, không về nhà nữa, quyết tâm giữ bằng cùng mối quan hệ của mình. Càng vậy, thằng Bi càng ức. Nó khi tỉnh chẳng khi nào ghé thăm má nó. Khi say thì tới đập đồ.
Lần đầu tiên, bà Liên như chết sững, chú Tiến thì sợ hãi rời đi. Thằng Bi chỉ tay theo phía người đàn ông đang liêu xiêu bước những bước đau khổ như chạy trốn, hỏi, má thấy rõ chưa, ổng là đàn ông thì đâu có bỏ chạy, thì đã ở lại bảo vệ má rồi! Bảo vệ gì? Bảo vệ một người đàn bà trước cơn thịnh nộ của con trai bà sao? Đứa con trai mà bà sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình cho nó một sự yên ổn? Có cần thiết không, con?
Lần đầu tiên, chị Xíu bỏ hết việc vàng, quên luôn chuyện đón con, chạy như điên về nhà, khóc, hỏi Bi, sao em nỡ làm vậy với má? Bi húng hắng trong họng vài câu không thành lời, rồi cũng bật khóc. Tới đêm, Bi mò qua nhà chị Xíu, ôm rít lấy chị, nói, em là đàn ông, em hiểu đàn ông.
Lần thứ hai cách lần thứ nhất chỉ khoảng tuần lễ. Con bạn gái mắt xanh mỏ đỏ của thằng Bi đi nhanh lại, la làng, anh ra coi bà má bả đưa tiền cho ông Tiến đi lấy hàng kìa. Bộ khùng hết rồi hả? Đưa tiền cho thằng chả, thằng chả đi luôn bây giờ?! Bi rần rần lại quán má nó, kệ khách khứa đang ngồi, nó thụp được cái gì trong tay là đập cái đó, chả thèm quan tâm người ta đang nhìn. Lần này, nó không say. Chắc vì nó tỉnh, nên ít ai đủ tỉnh táo để cho qua. Má nó đập đồ thậm chí còn nhiều hơn nó. Vừa khóc, bà Liên vừa gào, má cũng là con người, má cũng cần tình cảm. Chị Xíu lại bỏ con, bỏ hàng, chạy lên can em mình. Can không được, ức quá, chị Xíu tát thằng Bi hai bạt tai, nạt lớn, hỏi, Bi khùng hả, ba má dạy Bi vầy, phải không?
Thậm chí, lần thứ ba chỉ cách lần thứ hai đúng một ngày. Thằng Bi cố ngăn bằng được chuyện má nó đưa tiền cho chú Tiến - cho dù má và chị Xíu đinh ninh là tiền hàng, nhưng nó không tin. Lần này, thằng Bi say hay tỉnh, bà Liên không biết, chị Xíu cũng không. Hoặc, họ không thèm quan tâm chuyện nó có còn lý trí hay không nữa. Thằng Bi đập một. Bà Liên đập hai. Thằng Bi chỉ nhè vô những thứ chú Tiến mua cho má nó mà dặp. Bà Liên nhè vô tất cả những gì nằm trong tầm với của bà. Trong cơn tột cùng giận dữ, bà Liên cầm hai tay hai cái ly to uống trà, dộng thẳng vô tường, mấy miểng bể ghim thẳng tay bà, bật máu. Thằng Bi, dù say hay tỉnh cũng hốt hoảng nhận ra, má nó đang đổ máu vì nó - hoàn toàn đúng nghĩa đen. Nó dừng lại, chạy tới, chụp tay má nó, rối rít áp thẳng vô ngực áo của nó đã lấm lem. Thằng Bi bật khóc. Bà Liên cũng khóc. Chi khổ vầy, hả con?
Chú Tiến vẫn đi lấy hàng cho má. Kiểu gì thì thằng Bi cũng không theo sát được cuộc sống của má nó khi bà đã quyết dọn hẳn ra ngoài, hay nói đúng hơn, sau những đỏ máu nhuốm ngực áo nó, thằng Bi hết dám hó hé gì. Sau chuyến hàng đó, chú Tiến nói đi Sài Gòn ít bữa thăm gia đình. Bà Liên biết, ít bữa của chú có thể là nửa năm, có thể là một năm, cũng có thể là mãi mãi. Bà buồn nhiều lắm nhưng không cản. Đàn ông, họ có sĩ diện của mình.
Thấy má buồn tới mức teo tóp suốt hai tuần chú Tiến đi, thằng Bi một phần vừa hối hận, một phần vừa hả hê. Má à, đời má, sai lầm một lần là thương ba, thương người đàn ông chưa bao giờ tin má nên cứ lồng lên mà ghen, má khổ chưa vừa sao mà giờ rước vô thân người đàn ông mà má sẽ phải theo cả đời để ghen, hả má? Kiểu đàn ông tóc quăn, môi mỏng, mắt cứ láo liên đảo đưa đó, chẳng lẽ con từng này tuổi, con hiểu mà má không hiểu sao?
Tới tuần thứ sáu, khi bà Liên đã trở lại việc vàng bình thường, chú Tiến về. Gầy rọp, ốm nhách và thảm thương. Chị Xíu cương quyết phải kêu Bi lại, nói rõ ràng một lần, người ta sao là chuyện sau này tính, giờ, má vui ngày nào được, phải để má vui. Thằng Bi ngồi rít thuốc như điên, không nói gì. Nó thậm chí đã tính luôn cả chuyện gặp mà xin lỗi chú Tiến. Tự nó cũng biết mình không hay ho gì chuyện hỗn hào. Nó thương má nó thì tự nó phải nghĩ, ba nó từng tệ vậy mà nó cũng luôn từng mong má nó về với ba nó đó thôi. Rồi, nó cười mình, hay, nó ghen giùm ba nó?!
Chuyện êm xuôi chưa được bao lâu thì thằng Bi lại trở chứng nhậu xỉn, đập đồ, chửi đổng. Ngày trời mưa mù, con bạn gái của thằng Bi vác cái bụng khệ nệ mà thằng Bi vẫn đinh ninh là con nó, chàng hảng tới hàng nó, chống nạnh, la làng, anh coi sao chớ má tính bỏ tiền mua nhà cho ông Tiến kia kìa. Ủa, tiền má, má mua, mắc gì phải hỏi - Bi nghĩ, cố ép mình phải bình tĩnh như suốt cả năm nay nó đã làm. Em nghe bạn em nói, ông Tiến lần nào về Sài Gòn cũng gái gú tèm lem, tới mức bị đánh ghen mới chạy lên với má. Anh mà không khuyên má, bả đem hết tiền cho thằng chả nuôi gái bây giờ. Thằng Bi lồng lên. Biết mà! Biết cái loại đàn ông mà nói không hở răng đó, kiểu gì chả đèo téo má nó cũng chỉ vì tiền. Thế là, nó say, thế là, nó đập phá.
Chú Tiến bỏ đi hẳn, không về nữa. Chửi bới quá nhiều rồi. Xúc phạm cũng quá nhiều rồi. Thêm nữa, chắc chút tự trọng cuối cùng trong chú cũng chẳng còn. Thương thiệt. Yêu thiệt. Cần nhau thiệt. Nhưng, tình yêu đâu phải thứ để con người ta đạp bỏ sĩ diện của mình? Chú Tiến đi, ngày chuyển mùa biển mặn chát. Má thằng Bi nách cái mâm bưng cà phê tựa cửa nhìn ra biển, nghe lòng mình chát mặn một niềm riêng.
Con bạn gái thằng Bi giờ đã thành bạn gái cũ. Nó bỏ thằng Bi đi theo một thằng lạ hoắc, sau khi nói như khạc vô mặt thằng Bi, đứa con này là con của thằng kia. Thằng Bi ù ra biển, muốn la lên như một thằng điên, như hồi nhỏ nó vẫn hay làm để xả tức. Giờ, nó không làm được. Nó cũng chẳng biết tại sao. Chỉ duy nhất một điều nó biết, là, tình yêu khiến con người ta mù quáng tới mức nào. Thằng Bi thi thoảng lại qua chỗ con nhỏ, không phải để níu kéo. Tự nó biết, níu sao được nữa khi người ta đã không quay đầu nhìn lại lấy một lần. Chỉ là, nó vẫn cứ mơ hồ nghĩ, đứa trẻ là con của nó.
Thằng Bi cũng tiều tụy nhanh, không khác gì bà Liên. Hai má con nó gần như không nói chuyện. Bà Liên không giận, không trách, hoặc có đi chăng nữa thì tình mẹ con trong bà thừa lớn để bà có thể thứ tha. Chỉ là, bà không biết mình phải nói sao khi đối diện thằng con trai của bà. Mà, hình như nó cũng không tìm bà để mà đối diện. Thằng Bi nghĩ tới má nó nhiều chớ, nhiều lắm nữa là đằng khác, nhưng, nó không dám tìm. Nó thấy nhục nhã, khi bản thân ngu si dấn vào một mối quan hệ tạm bợ đợi chỗ ngon lành hơn mà con nhỏ kia đã toan tính từ đầu, vậy mà bày đặt hàm hồ đi phán xét người khác khôn - dại trong tình cảm. Nó sợ đối diện với má nó. Một mình chị Xíu chịu đựng hết. Đứng cửa giữa, nhìn má, nhìn em trai không nói chuyện với nhau, chị Xíu đau lòng. Nhưng chị không hỏi gì nữa. Khi cần, tự nhiên người ta sẽ nói, như rũ xả, giờ, cứ cho mỗi người chút lặng riêng.
Đêm. Thằng Bi ra hiên hút thuốc, nghe tiếng biển ì oạp gặm bờ. Ông Hồng cà thọt qua nhà - di chứng để lại sau một lần say rượu té xe - tay xách mấy con mực khô đã nướng, tay nách chai rượu chỉ vừa đủ cho hai cha con nhấm nháp vui miệng, không đủ say. Ngồi một chặp, ông Hồng nói, ông gặp chú Tiến rồi. Hình như, thằng Bi giật mình khi nghe cái tên đó.
Chuyện chú Tiến, qua lời ba thằng Bi kể, gián đoạn vài lần, nhưng cũng không khó mấy để xâu chuỗi lại. Nghe, mà buồn. Chú Tiến qua Campuchia làm ăn theo bạn. Cày quần quật rồi cũng lỗ lã hết, mất hết. Chua lắm, ức lắm mà vẫn phải quay về, không thì biết đi đâu. Hồi chú Tiến đi, con gái chú Tiến chỉ mới lên ba, nó không nhớ nổi tới nụ cười của chú, nên tình cảm cũng chẳng nhiều gì.
Ngày chú Tiến trở về, vợ chú khóc ngất, quỳ mọp dưới đất lạy sống chú rồi đi lấy chồng. Chú Tiến không trách cô, không hề, chú biết, đời đàn bà có một thuở để yêu, chú làm lỡ của người ta, họ đi con đường khác, chú sao dám trách. Chỉ buồn cái nỗi, ngày chú đi làm ăn, thiên hạ đồn đoán chú cờ bạc sạch túi quay về. Chồng sau của vợ chú nói, ông chịu nuôi con cô nhưng không muốn nó gặp lại chú Tiến, vì ông không mong đứa con gái ông đã chấp nhận là con ruột của mình rồi cũng hư đốn như cha.
Chú Tiến thương con, không cãi làm gì. Suốt gần hai chục năm, chú Tiến không rời khỏi Sài Gòn, chỉ vì cái suy nghĩ, ít nhiều còn lén lút nhìn thấy con gái mình trưởng thành. Trước ngày lấy chồng, con nhỏ biết hết chuyện mà tìm chú. Nó khóc, nói nó chưa từng trách chú, dẫu chỉ một giây suy nghĩ cũng không. Nó chỉ trách bản thân nó, sao luôn thắc mắc mà giờ mới tìm ra?! Nó hỏi chú, có thể dự cưới nó không? Chú muốn được lắm mà vẫn phải nói không. Đời chú, gì cũng kinh qua, trừ chuyện thất hứa.
Chồng nó không biết chuyện, cứ hiểu lầm ra vô, gây sự hoài hoài. Chú Tiến buồn, bỏ đi Vũng Tàu tìm quên. Đi, cũng không dám đi xa. Nghĩ, đi đâu gần gần để con gái có cần thì về liền được. Rồi thương, rồi nhớ cái vùng đất lúc nào cũng mặn chát mùi biển này. Rồi gặp gỡ và không nỡ rời xa một người phụ nữ có chất giọng ngọt như mía lùi với nụ cười buồn như con tàu độc hành giữa biển. Chú Tiến muốn ở lại, đầu tiên là vì cái suy nghĩ, được làm cha của hai đứa nhỏ cho thỏa cơn khát tình cảm gia đình suốt chừng đó năm.
Chú Tiến cứ thi thoảng ghé Sài Gòn cốt chỉ để thăm con. Có khi, cũng chẳng gặp được, nhưng chí ít, cái cảm giác ở gần được con gái khiến chú thấy ấm áp lạ thường, thấy mình có thêm động lực để lại ra đi, cố giữ hạnh phúc cho mình dẫu bị con của người ta từ chối. Đến cái lần, thằng chồng con gái chú “bắt tại trận”, “đánh ghen” tơi bời, chú Tiến vẫn ngậm nín họng không nhận mình là cha, chỉ nhận mình là con nợ và trở đi, nuốt ngược nước mắt vô trong. Sợ, nói ra, con mình khổ, mẹ của con mình khổ...
Thằng Bi nấc lên một tiếng, nấc khan. Nó điểm lại mọi thứ đi qua đời mình trong một năm qua - một năm dài đằng đẵng với những thứ giờ nó buộc phải tự nhận là sai lầm. Ba nó, ông Hồng đã về rồi. Ông qua, cốt chỉ để nói cho nó biết câu chuyện thật mà ông tin nó cần được biết, từ chính ông. Để thằng Bi lại với một nỗi ê chề, hơn cả khi nó nghe chuyện, con của bạn gái cũ nó chẳng giống nó chút nào. Nó đi như lết ra biển, nhìn màu au đỏ của một ngày mới đang lên. Thu sắp tàn rồi, đông sớm qua lạnh lẽo giữa những bàn bạt gió nổi đưa sóng dâng trong lòng người. Biết, ai sưởi cho má nó ấm suốt mùa đông này? Biết ai sẽ hong cho khô lại những cóng lạnh do nó đã gây ra? Má ơi! Chú Tiến ơi! Bi gào, bằng kiểu lặng thinh nó cấy cho đời mình bấy lâu. Tiếng biển gặm bờ đìu hiu mà nghe rát buốt.
Bình luận (0)