Chất vấn trong Đảng, cần làm ngay!

20/02/2012 03:19 GMT+7

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, ông Vũ Mão nói về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4.

Quy chế chất vấn trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 158 của Bộ Chính trị và sau đó là hướng dẫn số 15 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư từ năm 2008  đã đề ra các quy định khá rõ ràng nhưng còn những trở ngại nào khiến Quy chế này chưa được thực hiện tốt, theo ông?

Theo tôi có mấy trở ngại, thứ nhất là yếu tố tâm lý của cán bộ và đảng viên, trước hết là ở cấp Trung ương. Nếu không có một sự đột phá trong nhận thức thì không dễ dàng gì mà một Ủy viên Trung ương Đảng có thể chất vấn Tổng bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị và ngay cả chất vấn các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng. Phải nói thật là mọi người rất ngần ngại và chưa sẵn sàng tham gia “cuộc chơi”. Hai là, Quy chế chưa đủ rõ để ràng buộc đối với từng Ủy viên Trung ương trong việc đưa ra các chất vấn. Ba là, việc này vừa mới vừa khó, nếu các đồng chí chủ chốt không chủ động làm trước thì các đồng chí khác không dám làm.

 
Ảnh: CTV

Thưa ông, để chất vấn được đúng, trúng vấn đề dư luận quan tâm, thì việc chất vấn trong Đảng nên làm như thế nào?

Theo tôi chất vấn trong Đảng là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, cho nên phải có suy nghĩ, cách làm hợp lý. Trước mắt cần có các giải pháp:

Nếu không có một sự đột phá trong nhận thức thì không dễ dàng gì mà một Ủy viên Trung ương Đảng có thể chất vấn Tổng bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị và ngay cả chất vấn các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng

Ông Vũ Mão

Một là, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng. Thực chất, nếu tổ chức thành công việc chất vấn trong sinh hoạt của BCH Trung ương sẽ tạo ra cho Đảng ta một sinh khí mới.

Hai là, cần quy định rõ trách nhiệm chất vấn của các đồng chí Ủy viên Trung ương tại các Hội nghị Trung ương. Ví dụ như: Mỗi năm ít nhất phải chất vấn một lần, một nhiệm kỳ ít nhất chất vấn 5 lần. Ai không chất vấn thì các đồng chí trong Bộ Chính trị phải nhắc nhở và coi đây như một yêu cầu bắt buộc.

Ba là, Quy chế cần quy định rõ: Các Ủy viên Trung ương Đảng trước khi về họp trung ương có trách nhiệm thu thập nguyện vọng của đảng viên và nhân dân nơi mình phụ trách, lãnh đạo. Tôi lấy ví dụ một Bí thư Tỉnh ủy trước khi về họp trung ương phải có trách nhiệm họp trong cấp ủy và xuống cơ sở để lắng nghe ý kiến của nhân dân. Đảng lãnh đạo toàn xã hội thì việc lắng nghe kiến nghị, nguyện vọng không nên chỉ dừng lại ở đảng viên mà cần tiếp xúc, ghi nhận ý kiến người dân ở địa bàn, phạm vi mình phụ trách.

Mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khi về dự Hội nghị Trung ương phải có bản báo cáo về nội dung của cuộc tiếp xúc với đảng viên, với người dân ở địa phương mình phụ trách để Trung ương nắm được kịp thời các vấn đề xảy ra ở cơ sở, tránh xảy ra những vụ việc tương tự gây bức xúc dư luận như vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) vừa qua. 

Những kiến nghị nêu trên là chất liệu để tạo nên những chất vấn với tinh thần trung thực, khách quan.

Ông có cho rằng cần tiến hành chất vấn trong Đảng ngay tại Hội nghị Trung ương tới đây?

Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng là động lực thúc đẩy việc thực hiện chất vấn trong Đảng. Theo tôi, nên nâng tầm chất vấn trong Đảng, không chỉ là quyết định của Bộ Chính trị mà trở thành Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng. Cần rà soát lại để bổ sung Quy chế trở thành Quy chế của BCH Trung ương Đảng. Ví dụ như, cần quy định rõ, tại mỗi lần họp Hội nghị Trung ương phải dành tối thiểu bao nhiêu thời gian cho việc chất vấn và trả lời chất vấn (ví dụ như một ngày). Và tương tự thế, trong các hội nghị của Đảng ủy cấp tỉnh, huyện, xã cũng phải có quy định tương tự.

 Nên bắt đầu tiến hành chất vấn từ Hội nghị Trung ương 5 diễn ra vào tháng 4 tới để làm gương và tạo đà cho việc triển khai rộng rãi ở các địa phương, bộ ngành.

Theo ông, có nên công khai cho người dân được chứng kiến những phiên chất vấn trong Đảng?

Công khai là cần thiết, tất nhiên cần có bước đi hợp lý để mang lại hiệu quả. Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công khai thông tin về các cuộc họp và có thông báo sau hội nghị. Tôi hoan nghênh việc làm đó và mong rằng sẽ làm sâu sắc hơn những nội dung được công bố.

Tôi nghĩ rằng, từ việc chất vấn trong Đảng trở thành nền nếp thường xuyên để việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn sẽ không còn là bước đường công phu và gian nan. Điều quan trọng là chúng ta phải thống nhất nhận thức, quyết tâm hành động, không được phép “giả vờ”.

Tôi tin rằng, việc truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên chất vấn trong Đảng sẽ được nhân dân nồng nhiệt đón nhận và uy tín của Đảng ta sẽ được nâng cao. Và như thế sẽ không có “vùng cấm” trong mắt người dân. Truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn sẽ tạo điều kiện cho người dân có thêm thông tin để giám sát việc làm, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ đảng viên theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.

Một công việc cũng rất cấp thiết là cần nghiên cứu công phu để có sự kết hợp chất vấn với việc bỏ phiếu tín nhiệm. Tôi muốn vấn đề này sẽ được đề cập sâu hơn ở một lần trao đổi khác.

Bảo Cầm (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.