Chi phí tốn kém, khó khăn tiêu thụ
Dự án xây dựng mô hình rau củ quả sạch trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển do Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh) phối hợp với Sở NN-PTNT triển khai từ tháng 9.2013, trên vùng đất cát bạc màu ven biển rộng gần 90 ha ở xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Mục tiêu của dự án là góp phần chống sa mạc hóa; tạo ra sản phẩm hàng hóa sạch cung ứng cho người tiêu dùng. Tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ cho dự án này hơn 18 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, còn Mitraco Hà Tĩnh bỏ thêm kinh phí lắp đặt các thiết bị nông nghiệp công nghệ cao và cải tạo đất để sản xuất.
Trong năm đầu tiên đưa 90 giống cây chịu nhiệt và chịu hạn vào thử nghiệm, Mitraco Hà Tĩnh đã tìm ra được 10 loại rau củ thích ứng phát triển xanh tốt, cho năng suất cao. Chỉ 1 năm sau đó, cả một vùng toàn cát trắng đã nhanh chóng được phủ xanh bằng các loại rau củ. Nhận thấy tín hiệu tốt, năm 2014, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Mitraco Hà Tĩnh hướng dẫn người dân ở vùng ven biển làm theo mô hình này.
Được tỉnh hỗ trợ về giống, chi phí đầu tư hạ tầng và Mitraco Hà Tĩnh nhận bao tiêu sản phẩm, nhiều bà con nông dân ở vùng ven biển các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân lập tức bắt tay vào sản xuất. Chỉ trong một thời gian ngắn, 18 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng rau, củ quả trên cát đã được thành lập, nhanh chóng phủ xanh hơn 200 ha vườn tược bỏ hoang và những đồi cát ven biển. Nhờ mô hình này mà người nông dân ở Hà Tĩnh lúc ấy đã thực sự “hái ra tiền” từ những luống rau được trồng trên cát.
Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh), cho biết theo quy hoạch của tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có hơn 680 ha trồng rau sạch trên cát. Tuy nhiên, đến năm 2017, số diện tích sản xuất rau trên cát giảm dần, chỉ còn lại khoảng 20 ha, vì nhiều hợp tác xã và hộ dân bỏ cuộc.
Trong khi đó, Mitraco Hà Tĩnh là doanh nghiệp chủ đạo của mô hình này, cao điểm nhất cũng chỉ sản xuất được 30 ha và đến đầu năm 2017 thì thu hẹp xuống còn 4 - 5 ha. Nguyên nhân là do việc sản xuất ngày càng kém hiệu quả và gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Cũng chính vì lý do đó mà cuối năm 2017, Mitraco Hà Tĩnh đã phải nhượng lại dự án này do sản xuất thua lỗ.
“Hiện nay, nông dân nhiều nơi vẫn đang duy trì sản xuất theo mô hình này vì họ vẫn còn đầu ra truyền thống là bán cho các chợ. Đó là tín hiệu tích cực nhất mà dự án đã mang lại. Còn đối với Mitraco Hà Tĩnh, họ đành chấp nhận bỏ cuộc vì đầu tư suốt 4 năm mà không có lãi”, ông Hà nói.
Chờ gần 10 năm mới mong có lãi
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng Giám đốc Mitraco Hà Tĩnh, cho biết ngoài số tiền được tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ, trong 4 năm thực hiện dự án, doanh nghiệp này đã bỏ ra khoảng 30 tỉ đồng để chi phí cho sản xuất và kinh doanh.
Vậy nhưng, dù đã rất tâm huyết trong việc sản xuất nông sản sạch, vẫn không thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Bà Hà khẳng định, về mặt hiệu quả kinh tế khi làm dự án này thì Mitraco Hà Tĩnh thất bại, còn về mặt xã hội thì đã hiệu quả, vì giúp người dân nhận thức ra “cây rau vẫn mọc được trên cát”.
“Chi phí sản xuất cao nên buộc chúng tôi phải bán với giá cao hơn thị trường. Dù đã đưa sản phẩm của mình đi chào bán khắp các thị trường trong và ngoài nước, nhưng rất ít đơn vị đồng ý ký hợp đồng tiêu thụ. Gặp khó trong việc tìm đầu ra và việc sản xuất liên tục bị thất bại do thời tiết quá khắc nghiệt, khiến chúng tôi buộc phải dừng lại. Nếu tiếp tục đầu tư và mở rộng dự án thì không đủ tiềm lực”, bà Hà nói.
Theo bà Hà, để vực dậy dự án này, cuối năm 2017, UBND tỉnh đã quyết định cho Mitraco Hà Tĩnh nhượng lại toàn bộ dự án cho Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM (thuộc Tập đoàn FLC) để nhận về hơn 8 tỉ đồng. Khoản tiền này cộng với số tiền thu được trong thời gian thực hiện dự án vẫn không bù đủ chi phí mà Mitraco Hà Tĩnh đã bỏ ra.
Tại thời điểm tiếp nhận, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM khẳng định đã có chiến lược dài hạn và tuyên bố cuối năm 2019 sẽ sản xuất kín diện tích. Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư mới này mới chỉ sản xuất được hơn 20 ha.
Ông Phan Văn Hồng, Phó giám đốc công ty này, thừa nhận sau gần 2 năm tiếp nhận và bắt tay vào thực hiện, do khí hậu ở đây quá khắc nghiệt, nên mới chỉ chỉ sản xuất được 25 ha. “Với kỹ thuật của FLC thì chúng tôi sản xuất theo hình thức cuốn chiếu chứ không làm theo kiểu đầu tư ồ ạt như Mitraco.
Chúng tôi chọn trồng cây thanh long ruột đỏ là chủ yếu và sản xuất thêm một số loại rau củ. Hiện chúng tôi đang trồng lạc để từng bước cải tạo đất. Về đầu ra thì công ty không lo vì FLC có sinh thái khách sạn lớn mạnh. Theo tính toán của chúng tôi, phải mất khoảng 7 - 8 năm vừa làm vừa cải tạo đất thì việc sản xuất mới bắt đầu có lãi”, ông Hồng nói.
Bình luận (0)