Châu Âu cố thoát khỏi làn mây bụi

20/04/2010 00:14 GMT+7

Hơn 6,8 triệu hành khách đã bị ảnh hưởng bởi quyết định đóng cửa bầu trời châu u do tro bụi núi lửa từ Iceland. Nhưng thiệt hại còn lớn hơn thế rất nhiều...

Đến đầu ngày hôm qua, phi trường Heathrow ở thủ đô London của Anh vẫn đóng cửa hoàn toàn. Sân bay Frankfurt của Đức cũng đóng cửa trở lại sau khi hoạt động cầm chừng trong nhiều giờ vào ngày chủ nhật. Sân bay Charles de Gaulle của Pháp và Schipol của Hà Lan thì vẫn "cửa đóng then cài". Các phi trường chính ở Rome (Ý) và Madrid (Tây Ban Nha) hoạt động cầm chừng.

Hậu quả nghiêm trọng

Việc đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng của hầu hết các sân bay lớn ở châu u là hệ lụy từ hoạt động của núi lửa tại Iceland. Đợt phun trào bắt đầu vào ngày 14.4 từ núi lửa vùng Eyjafjallajokull đã tạo ra một cơn bão bụi khổng lồ. Hầu như cả bầu trời châu u đều bị tro bụi - gồm các hạt cát, đá, kim loại nhỏ li ti - làm vẩn đục.

Để bảo đảm an toàn, Eurocontrol - cơ quan điều phối không lưu của 38 quốc gia châu u - đã đề nghị cấm bay tại nhiều khu vực. Theo sau đề nghị của Eurocontrol, hàng loạt quốc gia đã ra lệnh đóng cửa bầu trời hoàn toàn hoặc một phần. Các quốc gia giàu có như Đức, Anh, Pháp đã đóng cửa những sân bay lớn nhất của mình, cũng là các cửa ngõ chính vào châu u và là các trạm trung chuyển lớn của thế giới.

Và khi người châu u đóng cửa, thì cả thế giới cũng chịu hệ lụy. Theo Hội đồng Hàng không quốc tế (ACI), 313 sân bay trên toàn cầu đã bị tê liệt bởi lệnh đóng cửa bầu trời ở châu u, khiến hơn 6,8 triệu hành khách bị ảnh hưởng. Các hãng hàng không thiệt hại mỗi ngày lên tới 200 triệu USD, và hôm qua đã là ngày thứ năm của cuộc khủng hoảng, vị chi là thiệt hại tròm trèm 1 tỉ USD.

Nhưng đó chỉ là cách tính đơn thuần về thiệt hại của các hãng hàng không. Thiệt hại về kinh tế, nếu đánh giá một cách tổng thể, lớn hơn rất nhiều. Chẳng hạn, cuộc đua mô tô thế giới tại Nhật Bản (MotoGP) dự kiến vào thứ bảy tuần tới đã phải hoãn lại do nhiều vận động viên không thể đến đúng lịch, theo BBC. Nhiều hoạt động chính trị, ngoại giao, nghệ thuật... cũng bị hủy vì lý do tương tự. Tại Kenya, hàng trăm ngàn nông dân dường như đang thấy đám tro bụi châu u phủ ngay trên bầu trời của họ. BBC cho hay nông dân Kenya đang phải chứng kiến rau và hoa tươi của họ bị ứ đọng ở sân bay, không thể xuất tới châu u được.


...do bầu trời vẫn còn nhiều tro bụi - Ảnh: AFP

Hậu quả của trận phun núi lửa ở Iceland là một bằng chứng nữa cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau và tính kết nối chặt chẽ trong thời đại toàn cầu hóa. Một sự sụp đổ ở thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) ngay lập tức khiến cả thế giới chao đảo. Một hoạt động địa chất đâu đó bên Iceland gần vùng Bắc cực cũng khiến cả thế giới một phen lao đao.

Tê liệt đến bao giờ?

"Tôi đã mắc kẹt tại Madrid từ thứ năm (tuần trước). Người ta nói với tôi rằng sớm nhất thì phải tới ngày 26.4 mới có thể bay", Christine Blanchard, một hành khách người Anh, nói với BBC.

Vào hôm qua, bộ trưởng giao thông các nước EU đã tổ chức họp khẩn (theo hình thức hội nghị truyền hình qua mạng) để bàn giải pháp tháo gỡ. Trong mấy ngày qua, các hãng hàng không cũng như hội đoàn hàng không đã không ngớt phê phán Eurocontrol cùng chính phủ các nước thành viên EU vì lệnh cấm bay. Có lẽ do sốt ruột trước cảnh hoạt động hàng không ngưng trệ mà họ mới có phản ứng như vậy, chứ thực ra biện pháp phòng ngừa của chính quyền là cần thiết, vì giới khoa học khẳng định rằng các hạt bụi li ti có thể làm hỏng động cơ máy bay.

Vào hôm qua, trong khi giới chức chính quyền đang tìm biện pháp tháo gỡ bế tắc thì các hãng hàng không châu u cũng có bước đi của riêng mình. Theo BBC, nhiều hãng như KLM Royal Dutch, Air France, Lufthansa… đã tiến hành bay thử và kết quả thu được là chẳng có sự hư hại rõ rệt nào đối với máy bay khi bay qua đám tro bụi. Tuy nhiên, một chuyến bay thử tại Anh thì cho thấy tình hình vẫn rất đáng ngại. Tiến sĩ Guy Gratton, một chuyên gia tham gia thử nghiệm, nói với BBC: "Ở một số độ cao nhất định, bầu trời hiện vẫn là một hỗn hợp giữa không khí sạch và những đám tro bụi núi lửa mà mắt thường không nhìn thấy được".

Giới khoa học khuyến cáo như vậy nên giới chức chính quyền vẫn tỏ ra rất thận trọng. Đức, Ireland, Hà Lan và một số quốc gia khác vẫn tiếp tục đóng cửa bầu trời cho đến giữa ngày hôm qua. Anh thì tuyên bố hạn chế bay cho tới tận sáng hôm nay. Nói chung là bầu trời châu u vẫn còn rất xám xịt, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Và trong lúc bầu trời từ chối, thì người ta buộc phải chọn lối đi khác. Theo BBC, Chính phủ Anh đang xem xét huy động Hải quân Hoàng gia đi "giải cứu" khoảng 150.000 người Anh đang kẹt lại ở nước ngoài.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.