Theo dự thảo chỉnh lý, các điều kiện để được đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc T.Ư là có thời gian tạm trú từ 2 năm trở lên; có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức và phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Dự thảo luật cũng bổ sung trường hợp được đăng ký thường trú đối với người độc thân về sống với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột khi được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho hay Ủy ban tán thành với việc bổ sung các trường hợp này vào dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp người chưa thành niên còn cha, mẹ và cha mẹ vẫn có điều kiện nuôi dưỡng nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột. “Bởi vì, trên thực tế có trường hợp con chưa thành niên có nguyện vọng và nhu cầu về ở với ông, bà hoặc người họ hàng thân thích khi bố mẹ ly hôn và bố mẹ đều đã kết hôn với người khác”, ông Lý giải thích.
Từ góc nhìn cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ lý giải nếu quy định cháu được về ở với ông bà và nhập hộ khẩu thì sẽ là “một thử thách lớn”, gây áp lực lên vấn đề an sinh xã hội các TP lớn. Ngay với các quận nội thành hiện giờ ở Hà Nội, TP.HCM đáp ứng nhu cầu học cho các đối tượng trong nội thành cũng đang còn khó. Do đó, ban soạn thảo nêu ra nội dung này nhằm hạn chế trường hợp bố mẹ cho con cái lên ở với ông bà để học ở nội đô TP lớn.
Bảo Cầm
Bình luận (0)