Cuộc đua thám hiểm sao Hỏa đang bước vào một trong những thời điểm nóng bỏng nhất trong lịch sử khi 3 nước cùng đưa các tên lửa vào vị trí sẵn sàng trên bệ phóng, gồm các sứ mệnh Mars 2020 của Mỹ, Hope Probe của UAE và Thiên Vấn 1 của Trung Quốc. Theo AFP, các nước đang muốn tận dụng thời điểm này là lúc sao Hỏa ở gần trái đất nhất với khoảng cách 55 triệu km. Cứ mỗi 26 tháng thì cơ hội này mới diễn ra trong khoảng vài tuần.
Ba sứ mệnh đọ sức
Cả 3 sứ mệnh đều nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trước đây và hy vọng đặt nền tảng để một ngày nào đó có thể đưa con người đặt chân lên hành tinh đỏ. Chuyến du hành của các phi thuyền không người lái dự kiến kéo dài khoảng 6 tháng.
Hope Probe là sứ mệnh thám hiểm xuyên hành tinh đầu tiên của UAE, dự kiến phóng lên tại Trung tâm không gian Tanegashima (Nhật Bản) vào ngày 15.7, nhưng bị hoãn đến ngày 17.7 và tiếp tục bị hoãn vì điều kiện thời tiết xấu, có thể kéo dài đến ngày 3.8. UAE lần đầu tiên công bố sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa vào năm 2014 nhằm phát triển thêm lĩnh vực mới bên cạnh thế mạnh xuất khẩu dầu. Dự định tàu sẽ bay quanh quỹ đạo sao Hỏa để nghiên cứu chứ chưa đủ khả năng đáp xuống.
Trong khi đó, sứ mệnh Thiên Vấn 1 dự định sẽ phóng lên từ đảo Hải Nam trong khoảng thời gian từ ngày 20 - 25.7, đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo sao Hỏa, hạ cánh và đưa ra một rô bốt điều khiển từ xa để nghiên cứu. Sứ mệnh Mars 2020 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), được cho là dự án tham vọng nhất, dự kiến phóng lên ngày 30.7.
Theo kế hoạch, xe tự hành Perseverance sẽ trải qua 687 ngày, tương đương “1 năm sao Hỏa”, để thu thập các mẫu đất đá mà giới khoa học hy vọng ẩn chứa manh mối của sự sống trước đây. Một sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa khác của Liên minh Châu Âu (EU) và Nga mang tên ExoMars bị hoãn đến năm 2022 do đại dịch Covid-19.
Hy vọng từ hành tinh đỏ
Các sứ mệnh khám phá sao Hỏa đã được triển khai từ thập niên 1960, trong đó nhiều tàu vũ trụ hạ cánh không thành công. Cuộc đua thám hiểm chững lại cho đến cách đây gần 10 năm khi có thông tin về dấu hiệu của nước trên bề mặt hành tinh này.
Hiện tàu tự hành Curiosity và Insight của NASA vẫn đang hoạt động trên sao Hỏa sau khi được phóng lên lần lượt vào các năm 2012 và 2018. “Đây là hành tinh duy nhất chúng ta đã phát hiện dấu hiệu của sự sống trong quá khứ, và càng biết nhiều thì chúng ta càng hy vọng có sự sống ngoài trái đất”, theo chuyên gia Michel Viso tại Trung tâm nghiên cứu không gian quốc gia Pháp.
Trong khi đó, UAE còn hy vọng thành lập một “thành phố khoa học” trên trái đất mô phỏng điều kiện khí quyển của sao Hỏa, với mục tiêu giúp con người có khả năng thuộc địa hóa hành tinh đỏ vào khoảng năm 2117. Trước mắt, tàu Perseverance của NASA dự định thu thập 40 mẫu đất đá, trong đó có 30 mẫu đưa về trái đất. Tuy nhiên, có thể sẽ mất 10 năm để có kết quả nghiên cứu về các mẫu vật này.
Bình luận (0)