Cháy hương án 300 năm tuổi của chùa Bút Tháp

26/08/2015 05:48 GMT+7

Một hương án cổ 300 năm tuổi tại chùa Bút Tháp , Bắc Ninh đã cháy rụi. Nguyên nhân đang được điều tra làm rõ.

Một hương án cổ 300 năm tuổi tại chùa Bút Tháp, Bắc Ninh đã cháy rụi. Nguyên nhân đang được điều tra làm rõ.
Chiếc hương án tại Phủ thờ chùa Bút Tháp trước khi bị cháy - Ảnh tư liệu của Viện Bảo tồn di tích
Chiếc hương án tại Phủ thờ chùa Bút Tháp trước khi bị cháy - Ảnh tư liệu của Viện Bảo tồn di tích
Cháy hiện vật quý, Cục Di sản không hay
Cho đến sáng 25.8, ông Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) vẫn chưa nhận được báo cáo gì về việc này, cho dù vụ cháy đã xảy ra từ ngày 21.8 và hương án cổ này là một bảo vật hiếm quý. Thêm vào đó, chùa Bút Tháp là một di tích quốc gia đặc biệt, theo luật, những sự vụ liên quan đến chùa đều phải được báo cáo với Cục Di sản. “Tôi điện thoại hỏi thì được biết hôm vừa rồi chập điện cháy ở đằng sau chỗ sư thầy ở. Lãnh đạo tỉnh với Sở về kiểm tra rồi. Nó không có vấn đề nghiêm trọng lắm”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, cuối cùng, văn bản báo cáo của Sở VH-TT-DL Bắc Ninh đã đến trong ngày. Chính vì thế, vào cuối buổi chiều, ông Hùng cho biết: “Bắc Ninh đã báo cáo bằng văn bản. Cái án thờ 300 năm tuổi bị cháy. Có một vài cái xung quanh bị ảnh hưởng một tí”.
Cũng trong ngày 25.8, hiện trường vụ cháy tại gian Phủ thờ của chùa Bút Tháp đã được phủ bạt. Tuy nhiên, vẫn có thể nhìn thấy cột gỗ sát đó cháy xém. Mái nhà bị ám đen vì khói vụ cháy, đường điện trong gian Phủ Thờ vẫn chưa được sửa chữa. Phía ngoài có treo biển ghi: “Tòa nhà Phủ thờ đang trùng tu. Quý khách không vào tham quan”.
“Hương án này theo tôi đánh giá là hương án thời Lê đẹp thứ nhì VN, chỉ đứng sau hương án điện thánh chùa Keo Thái Bình” - “hiệp sĩ di sản” Nguyễn Hoài Nam nói. Ông Nam là người đã đi lại chùa Keo nhiều lần, có nhiều tư liệu về hương án này.
Còn nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoài Mai cho biết: “Có nhiều điều để hương án này thực sự có giá trị với tổng thể di tích. Thứ nhất, nó ở trong một tổng thể nhiều yếu tố khá đồng đều về niên đại. Thứ hai, một hiện vật nội thất gỗ mà có thể tồn tại ở một di tích tới 300 năm là điều vô cùng hiếm gặp”.
 
Phần ban thờ bị sập mái, cháy rụi đã được phủ bạt che kín. Đám cháy khiến cây cột gỗ bên cạnh bị cháy xém - Ảnh: Minh Dung
Di tích cần sự chăm sóc đặc biệt
“Chùa Bút Tháp là một di tích quốc gia đặc biệt. Nó đặc biệt không những ở giá trị kiến trúc công trình mà còn ở các hệ thống hương án đồ thờ nữa. Hương án thời Lê bị cháy đặc biệt quý rồi. Nhưng chùa cũng còn nhiều hiện vật quý khác nữa”, KTS Lê Thành Vinh nói.
Cũng chính vì thế, theo ông Vinh, di tích này cần một sự chăm sóc đặc biệt để xứng với giá trị của nó: “Nếu nó cháy một cái này thì nó sẽ có thể cháy cái khác. Và trong cái rủi có cái rất may là đã không cháy ở Tam bảo, nơi các hiện vật dày đặc hơn nhiều”.
“Thực sự, việc chăm sóc di tích ở đây có quá nhiều vấn đề. Tôi nhiều lần ra vào di tích mà không hề thấy có người coi sóc. Tôi có thể ra vào di tích một lúc lâu mà chẳng có ai ngăn cản gì. Mà có phải là không từng xảy ra mất trộm đồ ở Bút Tháp đâu!”, ông Mai cho biết.
Theo ông Mai, với một di tích như Bút Tháp, cần phải có hệ thống camera giám sát 24/24, hệ thống phòng cháy chữa cháy tốt để phòng chống những điều bất trắc xảy ra. Thêm vào đó, cũng cần có một cơ chế báo cáo hiện trạng di tích nhanh nhạy khi có sự cố.
Một hiện vật quý đã thành tro theo đúng nghĩa đen. Giờ đây, điều an ủi duy nhất còn lại là tư liệu về chiếc hương án thời Lê này khá đầy đủ. Ông Hoài Nam cho biết, ông có những tư liệu đã chụp chiếc hương án và nếu cần sẽ cung cấp để cơ quan chức năng có thể phục dựng một phiên bản khác. Kho tư liệu di sản chính thống là Viện Bảo tồn di tích cũng cho biết tư liệu ở Viện Bảo tồn mô tả chiếc hương án này kỹ lưỡng tới từng chi tiết.
Chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh được cho là có từ thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278). Chùa được xếp hạng di tích quốc gia từ 1962. Trong chùa có bảo vật quốc gia tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Đây là một trong số ít các chùa cổ có quy mô kiến trúc lớn của đồng bằng Bắc Bộ còn lại cho đến ngày nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.