Tham gia phiên chất vấn ngày 7.11, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) dẫn báo cáo của Chính phủ về việc thi hành luật Tố tụng hành chính cho thấy đến nay, 582/1.375 bản án hành chính, quyết định hành chính đã thi hành xong, đạt 42,32%.
Tuy nhiên, việc thi hành luật Tố tụng hành chính còn chưa nghiêm túc. Nhiều bản án, quyết định hành chính của tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc đã có quyết định không chấp nhận kháng nghị phúc thẩm, nhưng không được UBND các cấp thi hành.
Tình trạng trên khiến người dân "đi hết cơ quan này đến cơ quan nọ", rất khổ sở và mất niềm tin vào công lý, vào Nhà nước pháp quyền. Thế nhưng, đến nay chưa có trường hợp nào cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm hoặc không thi hành án.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết nguyên nhân do đâu và giải pháp để bảo đảm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án hành chính, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp không chấp hành án hành chính.
Công khai những địa phương chưa thi hành án hành chính
Hồi đáp đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, án hành chính có 2 mảng việc cần phân định rạch ròi.
Thứ nhất là thực hiện pháp luật về tố tụng hành chính, vấn đề này liên quan đến một vệt các cơ quan tố tụng, trong đó có Bộ Tư pháp.
Thứ hai là thi hành án hành chính, thực tế như đại biểu Lê Hữu Trí nói là đúng. "Vấn đề này trong thi hành án hành chính làm chưa tốt lắm", ông Long thẳng thắn.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, năm 2021, số bản án thụ lý chuyển từ trước sang mới thi hành xong 455/944, đạt tỷ lệ 48,1%; năm 2022 là 429/992, đạt tỷ lệ 43,2%. Năm 2023, số lượng bản án hành chính tăng đột xuất và rất lớn, lượng án thi hành xong là 582/1.375, đạt 42,3%.
Về tình trạng án chưa thi hành, ông Long cho hay tập trung chủ yếu vào các nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng, tập trung ở một số địa phương.
Ngoài ra, một số bản án chưa thi hành xong liên quan đến việc tòa tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần giải quyết khiếu nại có liên quan.
"Chúng tôi thấy nguyên nhân thì nhiều, trong đó tính tích cực, chủ động của các cơ quan hành chính ở các cấp là vấn đề cần tiếp tục tranh luận, giao thêm việc, đôn đốc", Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân tích.
Vẫn theo ông Long, bên cạnh nguyên nhân chủ quan thì có cả khách quan. Số lượng án tăng lên nhiều, phần lớn liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, đất đai…
Thời gian tới, cùng với những biện pháp đã, đang thực hiện, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố công khai những địa phương chưa thi hành án hành chính; làm việc trực tiếp, nhiều hơn nữa với các địa phương, tập trung các án hành chính lớn chưa thực hiện được, trong đó có một số tỉnh phía nam.
Đồng thời, Bộ Tư pháp sẽ xem xét và đề xuất về mặt pháp luật, trong đó có một số vấn đề liên quan đến luật Tố tụng hành chính; ví dụ như mở rộng thẩm quyền của hội đồng xét xử ở các vụ án hành chính, mở rộng đối tượng ủy quyền trong tố tụng hành chính hoặc bổ sung các chế tài như một số nước thực hiện đối với các cơ quan hành chính nhà nước mà không thực hiện các bản án.
Bình luận (0)