Chạy lũ theo… thủy điện!

09/10/2012 10:36 GMT+7

Người dân lãnh đủ mỗi khi lượng mưa đổ về nhiều, nhà máy thủy điện phải xả tràn để giữ đập.

Trong những ngày qua, ảnh hưởng cơn bão số 7, trên địa bàn Bình Phước, Đồng Nai… xảy ra mưa lớn, cộng với việc xả lũ của nhiều nhà máy thủy điện đã gây ngập lụt ở nhiều nơi. 

Chạy lũ theo… thủy điện!
Di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt ở TX.Đồng Xoài - Ảnh Nhật Văn

Miền cao cũng ngập

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Bình Phước, từ ngày 16.9 đến nay trên địa bàn xảy ra ngập nặng, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, hư hại hoa màu. Trong đó, 4 huyện, thị bị ảnh hưởng nặng nề là TX.Đồng Xoài, TX.Bình Long, H.Hớn Quản và H. Lộc Ninh. Cá biệt có 2 P.Tân Đồng và Tân Thiện (TX.Đồng Xoài) chỉ trong một tuần đã gánh chịu 2 đợt lũ, với hơn 200 hộ dân phải di dời, gần 100 ha hoa màu bị ngập trong nước, thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng. Còn tại Hớn Quản có khoảng 248 ha cây trồng bị ngập sâu và 2 hộ dân phải di dời. Tại ấp Bưng C (xã Tân Thành, TX.Đồng Xoài), nhiều đoạn đường bị ngập sâu từ 3-4m, người dân phải di chuyển bằng xuồng… Ông Nguyễn Văn Ánh (xã Tân Thành) nói: “Mưa nhiều, cùng với việc thủy điện Cần Đơn xả lũ, nên nước dồn về ấp Bưng C (xã Tân Thành) dẫn đến không thoát kịp, ứ đọng lại và gây lụt cục bộ, gây ngập nhà dân, ảnh hưởng đến tài sản và hoa màu”.

Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bình Phước khuyến cáo, hiện mực nước tại các sông, suối vùng trũng và vùng ven đều ở mức cao. Nếu các hồ thủy điện xả lũ với lưu lượng 716-1.050 m3/s (kể cả chạy máy), cộng với mưa lớn kéo dài sẽ gây ra lũ và ngập lụt ở những vùng trũng thấp và hạ lưu các hồ thủy lợi, thủy điện. “Do đó, chúng tôi đã đề nghị các nhà máy, thuỷ điện (Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa) thực hiện việc điều tiết, vận hành xả lũ theo đúng quy chế đã được ban hành tại Quyết định số 1517 ngày 31.7.2012 của UBND tỉnh”, một lãnh đạo PCLB&TKCN tỉnh Bình Phước cho biết.

Hạ lưu lãnh đủ

Cũng trong khoảng 10 ngày qua, đợt xả lũ ồ ạt giữa các hồ thủy điện và hồ thủy lợi ở thượng nguồn, kết hợp triều cường trên sông Đồng Nai liên tục lên cao đã làm cho các khu vực hạ lưu của tỉnh này ngập nặng. Chỉ tính riêng thủy sản đã có khoảng 300 ha ao cá của người dân bị ngập nặng, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Bà Ngô Thị Thơ (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) cho biết, mưa lũ về bất ngờ, hơn 4 ha hoa màu của gia đình đã mất trắng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. “So với các năm trước, đỉnh lũ năm nay vượt lên rất cao, trong khi người dân không được tuyên truyền kịp thời nên thụ động hoàn toàn trong việc ứng phó. Do đó, khi thủy điện Trị An xả lũ với lưu lượng lớn, không ai kịp trở tay, nên đành chịu cảnh trắng tay” – bà Thơ nói.

Theo ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, do đang vào cao điểm của mưa lũ, nước trên sông La Ngà lên đến báo động 3, sông Đồng Nai xấp xỉ báo động 2 nên làm nhiều vùng thuộc các huyện Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa bị ngập nước. Còn đại diện Ban chỉ huy PCBL&TKCN Đồng Nai cho biết: “Hàng loạt hồ thủy điện, thủy lợi thượng lưu đã tích nước đầy, gặp mưa lớn dài ngày nên các hồ đều phải xả lũ đồng loạt để đảm bảo an toàn cho công trình. Vì vậy các vùng trũng trong tỉnh vẫn còn phải chịu ngập lụt đến cuối tháng 10 mới có thể chấm dứt”.

Xây dựng đê chống lũ

Ngày 8.10, UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ số kinh phí còn lại (91 tỉ đồng) của dự án xây dựng công trình kè chống xói lở và đê chống lũ suối Rạt cho các P.Tân Đồng và Tân Thiện (TX.Đồng Xoài) và các xã Đồng Tiến, Tân Phước (H.Đồng Phú). Tổng kinh phí dự án hơn 99 tỉ đồng. Tiến độ dự án đến nay thực hiện chậm do thiếu vốn, mới hoàn thành xong giải phóng mặt bằng và đang triển khai xây dựng bước đầu.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, trong những năm qua địa bàn này thường xuyên bị lũ lụt, đặc biệt cơn lũ lịch sử vào tháng 9 vừa qua với mức nước ngập trung bình 1,5m, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người dân. Trên 220 hộ bị ngập, toàn bộ diện tích hoa màu của khu vực bị thiệt hại 100%, các tuyến đường bị sạt lở gây chia cắt giao thông thành nhiều đoạn…Nguyên nhân là khu vực này chưa có công trình kè chống xói lở và đê chống lũ suối Rạt, nên mỗi khi mưa lớn kéo dài, cộng thêm nước các thủy điện xả lũ dồn về khiến ngập lụt cục bộ.

N.Văn

Nhật Văn - Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.