Chạy lũ, trốn mưa

09/10/2008 08:28 GMT+7

Bắt đầu từ tháng 9, khi dòng nước lũ hung bạo từ thượng nguồn đổ ào ạt về sông Đà, cũng là thời điểm Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả nước vào lòng hồ, thì xóm vạn chài có đến 20 chiếc tàu, thuyền, bè gỗ của những gia đình từ Sông Hà (Hà Tây cũ) đã gần 20 năm nay neo đậu co cụm phía cuối lòng hồ sông Đà.

Quanh năm mưu sinh bằng nghề úp tôm, thả cá... lại bắt đầu thả neo, chèo thuyền bắt đầu cuộc chạy ngược xuôi đi di cư suốt cả mùa lũ mong tìm được một nơi nước im, sóng lặng để lánh nạn...

Làng chài mùa chạy "giặc lũ"

Chạy thuyền lòng vòng suốt cả chiều dưới màn mưa nặng hạt đã rả rích suốt cả tuần lễ trên lòng hồ sông Đà, chúng tôi mới vào được con mương nằm tít trong ngòi suối Đúng, nơi xóm chài chọn làm nơi lánh nạn sau cuộc "di cư" trong mùa lũ năm nay. Hoàn cảnh chạy lũ, trốn mưa khiến xóm vạn chài ngoài nét đặc trưng của xóm lao động quần tụ trên sông nước với lối sống sinh hoạt bình dị và hết sức tạm bợ thì còn gợi thêm cảm giác rõ rệt về sự nhốn nháo và bất an trong mỗi ánh mắt, gương mặt người.

Bác Tuấn, 62 tuổi - ở xóm chài đã gần 20 năm nay - tâm sự: "Hai vợ chồng tôi đưa theo 5 đứa con lên sinh sống ở xóm chài này từ năm 1990. Lúc ấy ở đây cũng đã nhiều thuyền bè như bây giờ rồi, đều là người ở Sông Hà (Ba Vì, Hà Tây cũ) kéo nhau lên đây, các gia đình cũng đoàn kết đều mưu sinh bằng nghề úp tôm, đánh cá. Mấy năm nay cá kém, chúng tôi chuyển sang úp tôm, bắt ốc, mùa nước lũ thì chạy lũ, rồi đi làm thuê trên bờ".

Vì neo đậu ở mạn cuối lòng hồ nên dân vạn chài mưu sinh vất vả hơn nhiều so với các xóm lao động nằm tản mát trên lòng hồ này. Cả mùa lũ sóng mạnh, nước xoáy, bè thuyền không thể neo vững được nên không thể úp tôm, đánh cá. Phía thượng nguồn dân xóm củi lọc hết gỗ lớn chỉ để sót lại một vài thanh củi khẳng khiu và rác bẩn trôi dạt về xóm chài này. Nghe bác Son - Trưởng xóm chài tâm sự: "Mùa lũ là mùa người dân xóm vạn chài này khổ sở, điêu đứng với sông nước. Tránh vùng nước đục lại trúng con nước đen vì nước xả từ nhà máy mía ra ngòi Đúng rất ô nhiễm. Tôm cá cũng không thể sống trong suối để mà đánh bắt, dân xóm chài kéo nhau đi làm thuê trên bờ hoặc bốc hàng theo thuyền lớn lên mạn ngược cho qua mùa lũ. Chỉ thương bọn trẻ con bị ốm đau, dịch bệnh vào mùa lũ...".

Hỏi về những khó khăn lênh đênh sông nước mùa lũ về thì các gia đình chia sẻ: "Vất vả lớn nhất của dân vạn chài chúng tôi là những tháng phải chạy lũ. Năm nào cũng mất 4 tháng nước to, nhà máy xả đến 3-4 cửa nước, mưa bão liên miên, bè không thể neo đậu được, chúng tôi kéo cả vào phía trong ngòi trú tạm. Gọi là ngòi suối nhưng thực ra là hồ nước thải của nhà máy mía, hôi hám vô cùng, nhưng vẫn phải lánh tạm ở đấy cho qua mùa lũ, nước rút mới cho bè ra sông được".

 
Xóm vạn chài với cuộc sống tạm bợ và tròng trành "chạy" lũ
Tận mắt chứng kiến đời sống mới tại vùng nước tản cư của xóm chài trong những ngày chạy lũ trên con mương mới thấy người dân ở đây tất tả ngược xuôi chạy lũ chẳng khác nào "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa". Nhìn những gia đình xóm chài ngày ngày vẫn phải sinh hoạt bằng nước trên hồ chứa nước thải nhà máy mía bẩn đục, nồng nặc mùi hoá chất mà cảm thấy ái ngại, rùng mình trước những nguy hiểm đang rình rập từng giờ trong cuộc sống nổi trôi, bấp bênh trên sông nước của họ.

Cầu cho trời yên, bể lặng

Theo chân bác Son - Trưởng xóm vạn chài, chúng tôi đến thăm từng hộ gia đình để trò chuyện, lắng nghe tâm sự, ước mơ rất mực bình dị của những người lao động sống lênh đênh trên sông nước như nỗi niềm của người nông dân trên đồng ruộng về tháng ngày mưa thuận gió hoà, trời yên bể lặng, mong đỡ đi phần nào những nhọc nhằn mưu sinh, để không còn tất tả, khốn đốn lo tìm chỗ neo đậu trốn mưa, tránh bão...

Hầu hết những hộ gia đình xóm vạn đều từ trên 5 nhân khẩu, những người đàn ông trụ cột trong gia đình được các chủ tàu thuê, đi theo thuyền chở hàng từ thượng nguồn Sơn La, Điện Biên quanh năm... Còn phụ nữ và trẻ em ở lại trên thuyền, ngày ngày buông lưới chài cá, úp tôm mưu sinh qua ngày. Ngày nào nước êm, sóng lặng bắt được nhiều tôm cá, người dân xóm vạn lại đưa ra chợ bán cho dân vùng lòng hồ kiếm thêm tiền đong gạo. Do chỗ ở không ổn định lại thêm hoàn cảnh mưu sinh khó khăn, nên tất cả những đứa trẻ xóm vạn đều bị thất học. Thay vì được đến trường thì bọn trẻ phải học cách kiếm sống trên những chiếc thuyền nan để nuôi sống gia đình và bản thân chúng.

Chúng tôi gặp Hiển - một người dân xóm vạn, dù mới 16 tuổi nhưng cậu đã có thâm niên gần 10 năm mưu sinh trên lòng hồ, như một thợ chài nhiều kinh nghiệm. Chợt buồn khi thấy em ngày nào cũng vất vả vừa thả lưới bắt cá, vừa vớt củi trên chiếc thuyền gỗ mục nát dưới cơn mưa rát thân người. Chớm bước vào tuổi thanh niên, Hiển đã mang trên mình trọng trách là người trụ cột gia đình nuôi mẹ già và 2 em nhỏ, trong khi em chưa một ngày được đến trường học chữ vì nhà nghèo, Hiển nói: "Sinh ra đã ở trên thuyền, cả đời sẽ sống lênh đênh trên lòng hồ này bắt tôm cá, em và mẹ chỉ mong kiếm đủ ăn thôi, lấy tiền đâu đi học.Nhiều lúc tủi thân vì mình đã không biết chữ, nên em muốn cho hai đứa nhỏ được đến trường, nhưng chị coi, năm nào mùa lũ về kéo dài đến 3-4 tháng, chèo chống để thuyền khỏi bị nước cuốn trôi là may lắm rồi, còn học hành gì nữa".

Vào chiếc bè của hai mẹ con bác Chùng mà người dân xóm vạn phong gọi là hộ có nhiều cái nhất của xóm: Neo người nhất, thuyền nát nhất, đỗ gần bờ nhất, nghèo nhất và vất vả... chạy lũ nhất. Đối diện với người mẹ già và đứa con gái mới qua tuổi dậy thì, chúng tôi ái ngại cho hoàn cảnh của hai người phụ nữ nhỏ bé và chiếc bè thiếu bóng dáng đàn ông, không dám tưởng tượng đến mùa nước nổi hai mẹ con chị sẽ phải xoay xở như thế nào đây?

Người mẹ đã qua tuổi 60 nghèn nghẹn: "Những khi ông trời bắt đầu đổ mưa, đổ bão xuống con sông Đà, hai mẹ con tôi bắt đầu một mùa vật lộn, khổ đau. Cả xóm thương vì nhà không có đàn ông nên cho neo bè gần bờ nhất, lũ về chạy vào ngòi đỡ vất vả. Lênh đênh trên lòng hồ này gần 20 năm nay, chồng và con trai đi thuyền lên vùng ngược gặp bão rồi chết cũng trên con sông Đà hung hãn này. Giờ chỉ còn hai mẹ con già yếu nuôi nhau, hằng ngày đi mót tôm, bắt ốc sống qua ngày đợi khi con có gia đình tôi nhắm mắt mới yên tâm. Mùa khô, mẹ con tằn tiện không sao, chỉ nơm nớp sợ mùa lũ về chạy không kịp, rồi nỗi lo sống cho qua được mùa lũ. Già rồi chỉ mong ông trời thương tình, mưa thuận gió hòa để dân vạn chài sống quanh năm giữa lòng hồ này đỡ vất vả".

Cùng ngồi trên bè dùng bữa cơm giữa tròng trành sóng nước, nghe bác Son tâm sự về bao nỗi vất vả cuộc đời trôi nổi trên sông mà nghẹn lòng về những khó khăn và ước mơ của dân xóm vạn: "Nhớ cơn bão số 5 năm ngoái nước to, bão lớn, lũ trên sông Đà bạo liệt vô cùng, thuyền bè chạy lũ không kịp, xóm vạn chài năm đó nhiều bè bị đắm tưởng chừng không còn ai sống sót. Mỗi năm đến mùa chạy lũ, lớp người già như chúng tôi cũng đã quen rồi chỉ thương bọn trẻ, còn nhỏ cũng chịu khổ sở không có điều kiện sống ổn định mà đến trường đi học. Những lúc ấy dân vạn chài chỉ ước sao có vạt đất hoang dù là trên núi cao heo hút để chuyển lên bờ sinh sống. Không còn úp tôm, thả cá thì làm thuê làm mướn dù sao cũng đỡ vất vả hơn cuộc sống phải tất tả, ngược xuôi chạy lũ, tránh bão mỗi mùa mưa về...".

Hải Minh/Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.