Che ép mía, nước chè hai và du lịch

08/10/2021 13:49 GMT+7

Quê tôi Quảng Ngãi từ ngày xửa ngày xưa đã nổi tiếng là " thủ phủ mía đường ".

Cây mía ở Quảng Ngãi chắc đã đứng chân, đã đi ra thế giới bằng những thành phẩm nổi tiếng của mình từ trước cả thời Chúa Nguyễn.

Quảng Ngãi từ ngày xửa ngày xưa đã nổi tiếng là "thủ phủ mía đường"

BCT

Mà thành phẩm đường tại Quảng Ngãi là rất phong phú, nào đường muỗng (đường đen rút mật), đường phổi, đường phèn, kẹo gương (một loại kẹo chế tác từ đường), rồi đường "non", và cả nước chè hai (nước mía đang trong quá trình nấu thành đường).

Nhưng có lẽ cái gây ấn tượng nhất với tuổi thơ tôi là bộ che ép mía, là đôi bò đi vòng tròn kéo bộ che để ép ra nước mía, và thú vị nhất với một đứa trẻ như tôi, là món nước chè hai được múc lên từ chảo nước mía đang sôi sùng sục, đổ vào chiếc tô bằng đất, để nguội vừa phải cho trẻ con uống được.

Giữa trưa hè nắng nóng mà được uống tô nước chè hai ngọt lành thơm tho tinh khiết ấy, khác nào được uống nước… cam lồ. Ngon, bổ, không mất tiền (vì được cho, uống miễn phí).

Cái hấp dẫn đầu tiên của đường mía được làm thủ công là hương vị của nó. Bây giờ bạn ăn đường công nghiệp, tôi đố bạn nhận ra đường ấy có hương vị gì. Nó tuyệt đối vô vị. Còn đường thủ công thì khác lắm. Nó thơm hương mật mía, thơm hương đồng nội, nó rủ rê bạn về những cánh đồng mía bạt ngàn đang reo hát trong gió, với bao nhiêu loài chim đang trú ngụ trong những đám mía xanh ngút ngát.

Đã có bao người Quảng Ngãi mà tuổi thơ gắn với những cánh đồng mía, với những che ép mía, với nước chè hai, với cả những loài chim ngụ cư trong mía. Những ký ức tuổi thơ ấy có thể theo người ta suốt đời, vì nó còn gắn với gia đình, với cha ép mía ngoài đồng, với mẹ mang cơm cho cha, với gió nồm nam thổi lộng từ đồng mía ban trưa.

Uống tô nước chè xanh hay chè khô có pha thêm nước chè hai lấy từ chảo nấu nước mía làm đường, người nông dân Quảng Ngãi cảm thấy khoan khoái lạ thường, nhất là khi ngồi ở che ép mía hứng gió nồm ban trưa. Đó là phút thanh thản nhẹ nhàng của người lao động nhọc mệt.

Nghề làm mía đường vất vả, điều này những chú bò kéo che ép mía hiểu rất rõ. Nhưng các chú cũng cảm thấy khoan khoái khi được giải lao mỗi khi "công nghệ làm đường" tạm ngắt nhịp. Khi ấy, hai chú bò kéo che ép mía được nghỉ ngơi, được bồi dưỡng những tô nước hớt từ bọt của chảo nấu đường, hai chú bò uống rất sảng khoái.

Khi đường công nghiệp lên ngôi, cả "đường tinh luyện" là đường được tẩy trắng bằng hóa chất chiếm lĩnh thị trường đường, thì đường muỗng thơm ngọt, đường chén mộc mạc, nước chè hai tuyệt vời bỗng lùi về ký ức. Cùng với những che ép mía thủ công, với đôi bò kéo che ép nước mía, và cùng với nghề làm đường thủ công kỳ diệu của người nông dân Quảng Ngãi, tất cả bỗng lùi nhanh về quá khứ, và người nông dân chỉ còn "cửa" duy nhất là trồng mía bán cho các nhà máy đường.

Khi đường công nghiệp lên ngôi, nước chè hai tuyệt vời bỗng lùi về ký ức

TTC

Cứ ngỡ, câu chuyện mía đường chỉ như thế, và người nông dân trồng mía trở thành người làm thuê trên chính những cánh đồng của mình. Họ chỉ còn biết ngậm ngùi với câu ca dao truyền thống:

"Nước mía trong cũng thắng thành đường/Anh thương em thì anh biết chớ thói thường ai hay". Chỉ người trồng mía, ép mía làm đường thủ công mới biết thương cây mía, nước mía, chảo nấu đường, che ép mía của mình.

Nhưng rồi, vật đổi sao dời. Đường công nghiệp ở Việt Nam bây giờ rất khó tiêu thụ, người ta nói là do đường Thái Lan giá rẻ hơn tràn qua ép đường Việt. Nhưng còn một điều, ít người để ý: Khẩu vị người tiêu dùng Việt đã thay đổi. Khi biết tường tận quy trình làm đường công nghiệp, người tiêu dùng bây giờ không còn chuộng "đường trắng tinh" nữa. Họ quay về tìm đường vàng, đường đỏ, tức là đường chưa rút hết mật, đường thủ công không dùng hóa chất trong quá trình sản xuất. Họ quan tâm trước hết đến sức khỏe của mình.

Mấy năm nay, khi đi uống cà phê ngoài quán, tôi để ý chủ quán thường dùng hai loại đường để riêng: đường vàng và đường trắng. Khách tùy ý chọn. Nhưng hầu hết khách đều chọn đường vàng, là đường chưa rút hết mật.

Nhiều nhà máy đường công nghiệp trong nước đã phải đóng cửa.

Khi người tiêu dùng đã quay trở về với đường thủ công, thì đây là cơ hội cho những che ép mía sống lại, cho đường muỗng "xuống đường", cho nước chè hai trở thành món quà thu hút khách du lịch.

Vâng, tại sao không khôi phục nghề làm đường thủ công, khôi phục những che ép mía, lại làm ra đường muỗng chưa rút hết mật, và cùng với đó, là những che ép mía với đôi bò kéo sẽ kéo… khách du lịch đến những vùng trồng mía làm đường thủ công. Khách sẽ thưởng thức những tô nước chè hai thơm ngọt bổ dưỡng, sẽ chụp ảnh cùng che ép mía, cùng cả đôi bò cần mẫn khéo che, ép những dòng nước mía thơm ngọt. Và những món quà từ đường thủ công tinh sạch không hóa chất sẽ khiến du khách một đi còn quay trở lại.

Du lịch đi liền với kinh doanh, đó chẳng phải một mục tiêu kinh tế sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.