Hình ảnh mà Ngô Đình Sơn đưa lên mạng để minh họa thông tin “bịa” về vụ giết người rùng rợn ở Quảng Bình - Ảnh: T.L
Trang Facebook “Bộ mặt thật của hot teen Đà Thành” lập ra nhằm nhục mạ người khác - Ảnh: T.L |
Từ dựng chuyện, bôi nhọ...
|
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, ngày 11.3, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) - Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với Ngô Đình Sơn (21 tuổi, ngụ P.Hải Đình, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) là Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Nam Sơn Hải.
Theo tài liệu của công an, Sơn đã thiết lập trang cá nhân mang tên “Quảng Bình Quê Ta” trên mạng xã hội Facebook và cung cấp thông tin như một trang thông tin điện tử tổng hợp mà không có giấy phép. Hành vi này bị xử phạt 10 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ trang “Quảng Bình Quê Ta” trên Facebook. Ngoài ra, Sơn còn sử dụng trang “Quảng Bình Quê Ta” đăng bài với thông tin bịa đặt để thu hút dư luận như sau: “Thanh niên đi Camry giết người rồi vứt xe bỏ chạy vào lúc 16 giờ 30 ngày 20.2.2014, đường Quang Phú, Đồng Hới, Quảng Bình. Theo người dân kể lại, một nam thanh niên đội mũ lưỡi trai (chưa rõ danh tính) lái chiếc Toyota Camry màu đen (biển số được ẩn) liên tục nẹt pô rồi va quệt vào chiếc xe tải mang biển số 73C-018.47. Vì nóng giận tức thời, thanh niên này đã chặn đầu xe tải và xả súng làm tử vong 2 tài xế xe tải tại chỗ. Sau đó vì xe của thanh niên này mắc cát nên đã bỏ đi. Được biết thanh niên này sinh năm 1993, sống tại Hải Đình, Đồng Hới. Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ danh tính thật của thanh niên này”. Hành vi đưa tin không đúng sự thật nói trên bị xử phạt 15 triệu đồng.
...Đến lừa gạt
Trước đó ngày 9.9.2013, Phòng An ninh kinh tế (PA81) - Công an TP.Đà Nẵng cũng đã xử phạt Trương Thành Nam (28 tuổi, ngụ P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) 10 triệu đồng. Nguyên nhân là do mâu thuẫn với Giám đốc Nguyễn Thanh Trường nên Nam xin nghỉ việc ở Công ty CP Việt Séc (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) và lập Facebook cá nhân mang tên Trường Nguyễn Thanh mạo danh, nhục mạ ông Trường và bịa chuyện bán nhà, công ty... để hạ thấp uy tín, khiến công ty bị đối tác hiểu lầm, giao dịch khó khăn.
Cũng tại TP.Đà Nẵng, Facebook “bẩn” từng khiến một nữ sinh uống thuốc ngủ tự tử do bị bôi nhọ trên trang “Bộ mặt thật của hot teen Đà Thành”. Tuy nhiên, nữ sinh này được cứu sống kịp thời. Điều đáng nói là “Bộ mặt thật của hot teen Đà Thành” được điều hành bởi 6 thanh niên và do một nam thanh niên 16 tuổi cầm đầu. Vào tháng 8.2013, PA83 Công an TP.Đà Nẵng xác định 7 học sinh - sinh viên trên có hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Từ đó, Sở Thông tin - Truyền thông TP.Đà Nẵng đã xử phạt 3 người trong nhóm 10 triệu đồng/người, cảnh cáo 4 người còn lại.
Ngoài ra, tại TP.Đà Nẵng còn có nhiều vụ việc khiến bị hại khổ sở vì Facebook. Điển hình như Facebook cửa hàng áo quần “Salem's Boutique 66 Trần Tống Đà Nẵng” bị hack - cướp tài khoản từ ngày 20.10.2013. Sau đó, hacker nhận đặt hàng và yêu cầu khách chuyển tiền vào tài khoản Trần Quang Thanh (Quảng Ninh) nhưng không giao hàng. Còn chủ nhân Facebook mang tên Mickey Tran cũng bị tin tặc cướp tài khoản từ đầu tháng 11.2013 để lừa đảo. Thủ đoạn của kẻ gian là dựng lên chương trình khuyến mãi nạp card điện thoại 500.000 đồng (cho kẻ gian) để được tặng 3 triệu đồng.
Cấu thành tội phạm
Chánh thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TP.Đà Nẵng Nguyễn Chương Đức cho hay quản lý mạng xã hội hiện nay là một lĩnh vực tương đối rộng, số lượng người tham gia rất nhiều và ngày càng tăng lên trong khi cơ quan quản lý có phần hơi mỏng, còn quản lý rất nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra, lực lượng công an, cấp quận huyện cũng có thẩm quyền quản lý, xử phạt hành chính nhưng lại không có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này. Vì thế, hiện nay chỉ khi người dân, bị hại có đơn tố giác thì cơ quan chức năng mới vào cuộc chứ không thể kiểm tra hết tất cả các trang mạng xã hội, blog cá nhân.
Cũng theo ông Đức, ngoài việc xử phạt hành chính theo Nghị định 97 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet, các cơ quan chức năng nếu xác định tính chất, mức độ mà chủ nhân các trang mạng xã hội gây ra đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội thì chuyển hồ sơ cho cơ quan công an thụ lý; khi đầy đủ cơ sở sẽ khởi tố vụ án hình sự theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, ngoài Nghị định 97, 164... hiện nay Chính phủ còn ban hành nhiều nghị định khác để xử phạt trong lĩnh vực này như Nghị định 72 (nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân)...
Về trách nhiệm hình sự, hành vi giả mạo người khác để lập Facebook nói xấu người khác, ghép hình ảnh, đưa những nội dung không có thật... là có dấu hiệu tội làm nhục người khác, tội vu khống được quy định trong bộ luật Hình sự. Trường hợp giả mạo nhằm mục đích thu lợi nhuận từ những hoạt động này thì đó là hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo tài sản...
“Vấn đề còn lại nằm ở khâu thực thi pháp luật. Hiện nay, việc quản lý hoạt động internet của nước ta còn nhiều yếu kém, nhiều trường hợp vi phạm rành rành nhưng không cơ quan nào xử lý”, luật sư Hậu nói.
Nhiều vụ “gây bão” nhưng “chìm xuồng” Cuối năm 2011, Đoàn Đình Hiệp (27 tuổi) điều khiển xe gắn máy chở Đặng Mạnh Linh (22 tuổi, cùng trú H.Bảo Thắng, Lào Cai) trên đường Thành Công, TP.Yên Bái đâm vào ông N.H.G (SN 1953, trú P.Nguyễn Thái Học, TP.Yên Bái) khiến ông này tử vong. Điều đáng nói là ngay sau tai nạn Linh đã cập nhật trên Facebook cá nhân là Kẹo Mút Chơi Bời để khoe: “Chúng tôi vừa đâm vào một ông già gần 60 tuổi... khả năng chết”, và sau đó còn thông báo: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy vào đã củ tỏi hồi 17 giờ 07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi. Lão sinh năm 1953”. Sau khi cộng đồng Facebook dậy sóng quyết săn lùng “sát thủ Kẹo Mút”, Công an TP.Yên Bái đã triệu tập Linh và Hiệp để làm rõ nhưng trong vụ tai nạn này, phần lỗi qua đường thuộc về ông G. nên cả hai đều không bị xử lý hình sự. Tháng 7.2013, nữ sinh L. học lớp 12 ở H.Thạch Thất (Hà Nội) bị một số bạn nam cùng lớp ghép ảnh trêu chọc trên Facebook, L. uất ức dọa rằng nếu các bạn không xóa thì L. sẽ tự tử. Tưởng L. đùa, một số bạn tiếp tục thách thức, hậu quả L. uống thuốc diệt cỏ tự tử đồng thời để lại thư tuyệt mệnh và đã không qua khỏi. Liên quan vụ việc này, không ai bị xử lý sau đó dù hậu quả rất đau lòng. Cuối năm 2013, cộng đồng mạng một lần nữa “điên đảo” khi Facebook chia sẻ bài viết Sự thật kinh hoàng về những xe hủ tiếu gõ. Khởi đầu là một bài viết trên trang tin không chính thống đề cập đến nồi nước lèo từ những xe hủ tiếu này được nấu từ... chuột cống để cho ngọt nước (!?), nhưng không hề có hình ảnh, địa điểm, thời gian, nhân vật cụ thể. Dù vậy, rất nhiều người tìm đọc rồi chia sẻ cho người khác mà không kiểm chứng khiến không ít người bán hủ tiếu ở TP.HCM lao đao suốt mấy tháng trời vì ế khách. Thế nhưng, cũng không ai chịu trách nhiệm. Nguyễn Tú |
Gần đây, ở một số nước đã có nhiều người bị bắt giữ để điều tra về hành vi đe dọa, kích động hay gây rối thông qua mạng xã hội. Ngày 12.3, cảnh sát Los Angeles (Mỹ) bắt giữ Dakkari Dijon McAnuff (20 tuổi), sau khi McAnuff ghi trên Twitter rằng sẽ xả súng vào người đi đường nếu lời đe dọa này được các chủ tài khoản Twitter khác đăng lại 100 lần. Cảnh sát đã vào cuộc sau khi phát hiện bức ảnh McAnuff cầm súng chĩa xuống đường cùng lời nhắn: “Đủ 100 thì tôi sẽ bắn” xuất phát từ tài khoản Twitter của anh ta. Tương tự, báo The New York Times đưa tin nữ sinh viên Tây Ban Nha Alba González Camacho (21 tuổi), bị tuyên án một năm tù treo về tội “kích động khủng bố qua internet”. González Camacho bị bắt sau khi lên Twitter kêu gọi một tổ chức khủng bố ám sát các chính trị gia Tây Ban Nha. Trước đó, tòa án ở Anh tuyên phạt John Nimmo (nam) và Isabella Sorley (nữ) lần lượt 8 và 12 tuần tù giam về tội đưa lên Twitter những lời lăng mạ nhằm vào một nhà hoạt động vì quyền lợi phụ nữ. Cùng thời điểm đó, một thẩm phán liên bang Mỹ đã tuyên án 16 tháng tù giam đối với Daniel Temple, vì dọa giết Tổng thống Barack Obama trên Twitter, theo AP. Không hăm dọa nhưng đưa thông tin sai, kích động gây rối trên mạng xã hội cũng có thể bị bắt như trường hợp học sinh họ Dương (16 tuổi) ở tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Theo Hoàn Cầu thời báo, Dương viết trên Weibo rằng em nghi ngờ kết quả điều tra của công an đối với cái chết của một người đàn ông địa phương vào ngày 12.9.2013 và bình luận rằng người này bị giết chứ không phải tự sát như thông báo của chính quyền. Thông tin này đã khiến hàng trăm người xuống đường phản đối, đòi điều tra lại vụ án. Hậu quả là Dương bị giam 7 ngày để cảnh cáo về hành vi tung thông tin “bóp méo”, gây mất trật tự xã hội. Văn Khoa |
Trương Quang Nam - Nguyễn Tú - Hoàng Tuấn
>> Ứng phó scandal mạng xã hội
>> Hiểm họa từ mạng xã hội
>> Vụ 'ảnh sex của cô giáo ở Bắc Giang': Tung ảnh bôi nhọ, coi chừng vào tù
>> CSGT TP.Cần Thơ bị tung clip bôi nhọ, vu khống?
Bình luận (0)