Chen nhau đi xin... "nước thần"

11/04/2009 23:21 GMT+7

Suốt tuần qua, mỗi ngày có cả ngàn lượt người dân TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận lũ lượt kéo về miếu ông Hổ, thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng để xin “nước thần chữa bá bệnh”.

“Nước thần  chữa bá bệnh”?

Con đường làng độc đạo đất đá gồ ghề dẫn vào miếu ông Hổ từ nhiều ngày qua đông nghịt người. Tin đồn bắt đầu rộ lên khi có một ngư dân ở đầm Cầu Hai, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế theo lời “phán”: “Nếu tìm miếu ông Hổ ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng xin nước ở giếng thần dưới gốc cây sanh, uống vào bệnh tình sẽ dứt”. Sau đó, hàng trăm người dân ở Cầu Hai ồ ạt kéo vào TP Đà Nẵng để xin “nước thần”.

Ông Nguyễn Thanh (77 tuổi) mang theo bộ áo dài khăn đóng từ 5 giờ sáng 11.4 đã gọi con trai vượt đoạn đường 50 cây số từ Cầu Hai, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế tìm về miếu ông Hổ khấn vái. 

Có mặt tại miếu ông Hổ sáng 11.4, không chỉ người dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, mà người dân lân cận ở phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam và ngay cả người dân ở trung tâm thành phố Đà Nẵng cũng kéo lên.

Bà Trương Thị Lê (61 tuổi) có nhà ở ngay sát miếu ông Hổ đã bày bàn ghế bán nước cho khách thập phương từ một tuần qua, bà cho biết: “Tôi sống ở đây đã 11 năm, vào ngày rằm hằng tháng, người dân trong thôn thỉnh thoảng có đến thắp hương khói ở miếu ông Hổ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy người nơi khác kéo đến đông như vậy”.

Người dân cho biết, sau khi bày lễ cúng trên miếu nhỏ nằm ở gò đất đối diện cây sanh, và thắp hương ở am thờ trước cây sanh thì mới được xin nước. Cây sanh già trên trăm năm tuổi nghi ngút khói hương, hàng trăm mái đầu lầm rầm khấn vái xong lại xúm quanh miệng giếng. Nhưng do miệng giếng nhỏ, lại nằm sát gốc cây và bờ sông nên cùng lúc chỉ có thể 2-3 người múc được. Bà Trương Thị Gái (57 tuổi), quê ở Cầu Hai, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế bị gai cột sống, đau thần kinh tọa nói: “Chờ cho đến khi có bọt khí nổi lên từ mặt nước thì múc nước ngay chỗ đó về uống mới hiệu nghiệm”. Vừa nói, bà Gái vừa rót nước ra ly và uống ngay tại chỗ. 

Chỉ là tin đồn nhảm

“Giếng thần” nguyên trước đây là một hục nước sát gốc cây sanh già nằm mấp mé với mực nước của sông Cu Đê. Ông Võ Văn Thành – Trưởng thôn Trường Định, xã Hòa Liên cho biết: “Gia đình bà Trương Thị Lê ở gần đó mấy năm trước xây thêm 3 bờ gạch tạo thành một miệng giếng nhỏ và lấy nước ngọt ở đó để phục vụ sinh hoạt gia đình”.

Người ta càng đồn thổi về tính chất thần bí của nước giếng này vì lẽ, trong khi nước sông Cu Đê ở khu vực đó là nước lợ, có vị mặn, thì nước trong hốc giếng lại là nước ngọt.

Tuy nhiên, khi được hỏi có ai biết trường hợp ông, bà nào sau khi uống “nước thần” thì chữa hết bệnh không, thì ai cũng ngơ ngác “chỉ nghe nói vậy thôi”. Ông Nguyễn Thừa, 79 tuổi, trú thôn Trường Định, xã Hòa Liên cho biết miếu ông Hổ đã có từ đời cha của ông: “Tôi sống chừng này tuổi đầu rồi, bây chừ mới nghe chuyện cái giếng nước ở gốc cây sanh chữa được bệnh, cái giếng nớ trước đây chỉ có người dân xung quanh đó múc nước ngọt uống thôi, còn người dân trong thôn thì múc nước giếng gần nhà, chứ ai xuống đó múc nước làm chi cho xa”.

Ông Nguyễn Thu - Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cho biết: “Miếu ông Hổ đã có từ lâu do nhân dân lập nên để nhớ ơn ông Hổ khai hoang lập cõi, miếu đã bị hư hại hoàn toàn sau 2 cuộc chiến tranh, sau đó, người dân lập nên một am thờ nhỏ để tiếp tục thờ phụng, chứ hoàn toàn không có việc nước thần có thể chữa bệnh, tuy nhiên chúng tôi đã mời Phòng Y tế của huyện Hòa Vang xuống lấy mẫu nước và đưa đi xét nghiệm, để có cơ sở công bố cho người dân tin tưởng”.

Thạc sĩ - bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cho biết: “Mỗi loại bệnh có những dấu hiệu, triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh khác nhau, không thể có chuyện có một loại thuốc mà có thể chữa được bách bệnh được, cho nên tin đồn nước lã chữa bách bệnh là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Hơn nữa, nước lã chưa được đun sôi và chưa được xét nghiệm, nên không loại trừ khả năng có thể có vi khuẩn trong nước, có thể gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là nguy cơ tiêu chảy cấp trong mùa nắng nóng. Tốt nhất là không nên uống trực tiếp nước lã như thế”.  

Nguy cơ bất ổn

Chen nhau múc nước giếng dưới gốc cây sanh - ảnh: Nguyễn Tú 

Nhiều ngày qua, tình hình người dân kéo về miếu ông Hổ càng đông. Miệng giếng nhỏ, lại nằm sát mép sông Cu Đê, người dân chen lấn nhau rất nguy hiểm. Công an xã Hòa Liên cho biết, lúc 15 giờ ngày 10.4, trong lúc khoảng hơn 500 người tụ tập quanh cây sanh để khấn vái và múc nước, thì có một nhóm khoảng 8 - 10 thanh niên kéo đến đòi rào đường và thu tiền những người dân vào múc “nước thần”. Nhưng do người dân quá đông và không chấp nhận “đề nghị” trên, Lê Quang (26 tuổi, trú tổ 8, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) xông vào múc nước, ngậm trong miệng và phun tung tóe lên nhóm người ở xung quanh miệng giếng. Bức xúc trước hành động trên, Lê Hữu Vương (25 tuổi) và Mai Phước Thọ (45 tuổi) (trú thôn Trường Định, xã Hòa Liên) bèn can ngăn thì bị Lê Quang và nhóm thanh niên nói trên dùng gậy gộc đánh tới tấp. Lúc này, lực lượng thanh niên địa phương gần đó trả đũa và đuổi nhóm Lê Quang bỏ chạy khiến Quang lao xe máy xuống sông, dập môi và rách đầu gối phải. Nhóm của Quang tiếp tục về mang hung khí mã tấu, dao, rựa định tiếp tục đánh nhau thì lực lượng công an xã và dân phòng có mặt ổn định tình hình.

Chưa hết, do con đường mòn khoảng 3 km dẫn vào miếu ông Hổ rất gập ghềnh, lực lượng xe ôm khu vực này đã nhanh chóng hét giá 40 ngàn đồng/đi và về đối với những người dân vào múc nước. Ở trên sông, những chuyến ghe nhỏ lần lượt chở 10-15 khách với giá 200 ngàn đồng/chuyến từ khu vực cầu Nam Ô ngược sông Cu Đê lên miếu ông Hổ. Tuy nhiên, người đi ghe lại không có bất cứ áo phao bảo hộ nào.

Hàng quán đã mọc lên tại khu vực này, những người dân ở đây đã nhanh chóng mang những can nước lớn rồi chia sang những bình nhỏ để bán cho người dân không thể chen chúc, giành giật vị trí tốt mà múc nước. Giá mỗi chai 250 ml là 5.000 đồng. Tuy nhiên, người dân lại không mặn mà với “dịch vụ mới” này bởi theo bà Trương Thị Gái (57 tuổi, quê Cầu Hai, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) thì: “Phải tự tay thắp hương khấn vái xin “ông”, rồi xin nước mới hiệu nghiệm”. Sự việc xảy ra đã một tuần lễ, nhưng trong ngày 11.4, khi chúng tôi có mặt tại hiện trường, không có bóng dáng bất cứ công an viên hay dân phòng nào. Chỉ sau khi xảy ra vụ ẩu đả do “cát cứ” vị trí múc “nước thần”, lực lượng công an xã và dân phòng mới đi tuần tra khu vực này ban đêm một lần rồi thôi. 

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.