Chi bao nhiêu tiền để “ngoài vòng tố tụng”?

29/12/2003 20:24 GMT+7

Vụ án đường dây ma túy xuyên quốc gia do Dũng "đui" cầm đầu đã được TAND TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm vào sáng qua 29/12. 10 bị cáo bị Viện KSND tối cao truy tố, trong đó có Nguyễn Công Triều, nguyên là điều tra viên của Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Duy Dũng (tức Dũng “đui”) bị bắt trong vụ án ma túy nổi tiếng khu vực phía Nam do Phùng Đức Thịnh (đã bị kết án tử hình) cầm đầu vào tháng 5/2001 tại An Giang. Đến đầu tháng 4/2002, Dũng “đui” được trích xuất lên cơ quan điều tra của Bộ Công an để làm rõ hành vi đánh bạc trong vụ án Năm Cam và sau đó từ “chiếc chìa khóa” này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phanh phui ra một đường dây ma túy xuyên quốc gia do chính y cầm đầu.

10 bị cáo bị Viện KSND tối cao truy tố trong vụ án này gồm: Nguyễn Duy Dũng (tức Dũng “đui”), Lê Thanh Hiền, Lâm Việt Sơn (tức Sơn “bake”), Nguyễn Phan Bình (tức Bình “con”), Hồ Thị Từ, Trần Văn Thành (tức Thành “sùi”), Lê Bá Phượng (tức Phượng “bói”, cả 7 bị cáo này đều bị truy tố về tội mua bán ma tuý), Trần Thị Minh Nguyệt (vợ Thanh “tứ”, bị truy tố tội không tố giác tội phạm), Nguyễn Công Triều (nguyên điều tra viên Phòng CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, bị truy tố tội nhận hối lộ) và Phan Văn Hải (nguyên luật gia, bị truy tố tội môi giới hối lộ). Riêng Dũng “đui” và Sơn “ba ke” còn bị truy tố thêm tội đưa hối lộ.
Từ cuối năm 1998, tại hẻm 308 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, Dũng “đui” đã thiết lập một đường dây ma túy qui mô lớn. Nguyễn Thị Hương (vợ Dũng, hiện đang bị truy nã) có nhiệm vụ phân lẻ heroin và lập sổ sách theo dõi. 3 “chân rết” phân phối từ Nghệ An lũ lượt tìm vào được Dũng “đui” nuôi trọn gói là Lê Thanh Hiền, Nguyễn Văn Bình (tức Bình “xoăn”) và Nguyễn Phan Bình (tức Bình “con”).

Đầu mối cung cấp heroin cho Dũng “đui” là Thanh “tứ” (tức Trần Văn Thanh, chủ khách sạn Quang Thắng tại đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, hiện đã chết sau khi bị khởi tố).

Tại tòa, Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu hỏi: “Bị cáo bị truy tố với định lượng trên 40 bánh heroin, bị cáo thấy có gì oan ức không?”. Dũng “đui” lạnh lùng đáp: “Thưa, cái này hoàn toàn không oan gì cả, chính bị cáo cũng tự khai ra”. “Bị cáo có biết đấy là hành vi hết sức nguy hiểm, sẽ bị xử lý nghiêm khắc?”. “Thưa, bị cáo nghiện, lúc đầu bị cáo thấy có tiền lời cao, có hàng để chơi, sau đó gặp Trần Văn Thanh thì bị cáo bị cuốn hút vào cơn lốc này, nhưng bị cáo đã thấy nguy hiểm và bị cáo dừng lại”. “Bị cáo dừng lại hay do đồng bọn bị bắt, bị cáo lo sợ?”. Im lặng

“Khoanh vụ án lại” giá bao nhiêu?

Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu hỏi tiếp Dũng “đui” về hành vi “đưa hối lộ” cho điều tra viên Phòng CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh trước khi bị Bộ Công an phát hiện, Dũng “đui” tỉnh rụi: “Không có gì oan cả”. Cáo trạng nêu, ngày 30/9/1999, Công an quận Gò Vấp bắt quả tang Lê Thanh Hiền đang phạm tội mua bán heroin, sau đó vụ án được chuyển lên Phòng CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh.

Biết được tin này, Thanh “tứ” đã lái xe hơi đưa Dũng “đui” và Sơn “bake” (tức Lâm Việt Sơn, đàn em của Dũng) ra xa lộ Hà Nội để trốn về Nghệ An. Trên đường đi, Dũng “đui” gọi Trần Văn Tài (hiện đang bị truy nã) để nhờ Tài chạy lo cho Hiền. Tại tòa, Dũng “đui” kể: “Tài nói muốn cho Hiền về luôn thì phải có 50.000 USD, bị cáo nói bắt quả tang không có chạy được đâu, coi chừng bị lừa. Sau đó thì Tài nói thôi đưa 25.000 USD để khoanh lại vụ án, không mở rộng ra nữa. Bị cáo nói nếu vậy thì cắt Lâm Việt Sơn ra khỏi vụ án của Hiền”.

Chủ tọa hỏi: “Làm cách nào để khoanh vụ án lại?”. “Cái này Trần Văn Tài làm, bị cáo không biết rõ”. “Thực tế bị cáo đã làm gì và bị cáo cùng với ai bỏ tiền ra để khoanh vụ án này lại?”. “Bị cáo Sơn kêu bị cáo bằng anh, bị cáo cũng là người cung cấp hàng cho Sơn bán nên bị cáo nói thôi cái này cũng như bị thua lỗ, Sơn cứ bỏ ra 10.000 USD còn bao nhiêu bị cáo lo hết”. “Bị cáo có biết ai giúp bị cáo việc này?”. “Bị cáo chỉ nghe Trần Văn Tài nói người này người nọ, chứ không biết cụ thể”. “Bị cáo thấy việc chi tiền đó có hiệu quả không?”. “Không, vì Sơn nói ông Triều (tức Nguyễn Công Triều, điều tra viên Phòng CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh - PV) đòi em thêm 150 triệu đồng nữa”.

Chủ tọa nói: “Kết quả tuy không như dự định của các bị cáo ban đầu, nhưng cái cơ bản nhất là vào thời điểm ấy bị cáo và Sơn không bị phát hiện, không bị bắt mà chỉ một mình Lê Thanh Hiền, đúng không?”. Im lặng.

Điều tra viên và thủ đoạn “ăn tiền 2 đầu”

Dũng “đui” khai đã đưa cho Trần Văn Tài tổng cộng 20.000 USD và 4 cây vàng để chạy lo. Tài gặp Phan Văn Hải (tức Hải luật) làm ở Văn phòng luật sư để đưa tiền cho Hải nhờ Hải giúp đỡ. Sau khi tìm hiểu Hải biết Nguyễn Công Triều là người thụ lý điều tra vụ án Lê Thanh Hiền, Hải nhờ Triều giúp và đã 4 lần đưa tiền cho Triều. Do vậy, trong quá trình điều tra vụ án, biết Sơn “bake” là người giao heroin cho Lê Thanh Hiền đi bán nhưng ông Triều đã khéo léo làm lệch hồ sơ để cho Sơn “bake” đứng ngoài vòng tố tụng.

Ngược lại, ông Triều còn gọi Sơn để đòi tiền thêm. Sơn đã dẫn ông Triều đi ăn nhậu nhiều lần và đưa tiếp 200 USD, 15 tờ ngân phiếu mệnh giá 500.000 đồng và 5 cây vàng. Chủ tọa thẩm tra tình tiết này, Dũng “đui” kể: “Sau khi đưa tiền bị cáo nghe Sơn nói anh ơi sao người ta vẫn mời em lên làm việc, bị cáo hỏi ai mời thì Sơn nói ông Triều ở PC 16, bị cáo đi hỏi lại Trần Văn Tài, Tài nói là lo xong hết rồi, để Tài xem lại”. Chủ tọa hỏi: “Tức là lo tiền rồi, yên tâm trở lại địa bàn cũ thì bỗng nhiên Sơn bị gửi giấy triệu tập, phải vậy không?”. “Dạ”.

Chủ tọa gọi Lê Thanh Hiền: “Có phải điều tra viên đã hướng cho bị cáo khai?”. “Dạ đứng trước pháp luật bị cáo không dám khẳng định, nhưng lúc đầu bị cáo thấy hỏi, sau đó không thấy nữa”. Vị đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh hỏi thêm: “Có phải giai đoạn đầu bị cáo tự khai ra Sơn không?”. “Dạ phải”. “Vậy động cơ nào bị cáo không khai tiếp?”. “Dạ khi làm việc, điều tra viên bảo từ đầu là nếu hỏi cái gì thì trả lời cái ấy thôi ạ”. 

Ngày 30/12, phiên tòa còn tiếp tục với phần xét hỏi.

Võ Khối - Minh Thuận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.