Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Nội: Chuyển nhượng đất rừng Sóc Sơn là bất hợp pháp

12/08/2023 08:07 GMT+7

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội), Nhà nước giao đất cho các tổ chức, cá nhân để sản xuất lâm nghiệp ở H.Sóc Sơn (Hà Nội) nên phải trồng rừng, nếu không thì phải trả cho Nhà nước. Việc chuyển nhượng đất rừng là bất hợp pháp.

Không được phép chuyển nhượng đất rừng

Chia sẻ với báo chí về lịch sử hình thành rừng Sóc Sơn, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, cho biết nơi này trước đây là lâm trường Sóc Sơn. Một số diện tích do chính quyền sở tại giao cho người dân (có sổ lâm bạ) để trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo các dự án 3352 và Quyết định 661/QĐ-TTg.

Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Nội: Chuyển nhượng đất rừng Sóc Sơn là bất hợp pháp - Ảnh 1.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên

NGUYỄN TRƯỜNG

Đến khi H.Sóc Sơn được UBND TP.Hà Nội giao thực hiện quy hoạch rừng phòng hộ, theo ông Tuyên, địa phương này đã không kiểm đếm diện tích rừng do người dân trồng để lên kế hoạch bồi thường tài sản. Tiếp đó, sau khi Quyết định số 2100 được thành phố ban hành vào năm 2008, công tác kiểm đếm tiếp tục không được thực hiện, khiến "dân vẫn nghĩ đấy là rừng của họ".

"Thực tế, muốn biết được rừng của người dân hay không thì Ban Quản lý rừng đặc dụng H.Sóc Sơn phải trả lời với huyện rằng có đầu tư tiền trồng rừng cho các hộ dân hay không", ông Tuyên phân tích.

Cũng theo ông Tuyên, theo Quyết định số 2100, toàn bộ địa giới các xã Minh Trí và Minh Phú (H.Sóc Sơn) nằm trong diện tích rừng phòng hộ đặc dụng. Tuy nhiên, sau khi có kết luận của thanh tra, cơ quan chức năng mới phát hiện có quy hoạch trùng lên phần đất ở thuộc địa bàn 2 xã này. Do đó, thành phố đã chỉ đạo H.Sóc Sơn tiến rà soát, nếu hộ dân nào có hồ sơ chứng minh về địa phương ở từ trước năm 1993 thì sẽ "bóc tách" ra, sau đó phối hợp với các sở, ngành để xử lý.

Đối với thực trạng phá rừng ở Sóc Sơn, ông Tuyên cho biết, hiện có một vài vướng mắc. Theo đó, đối với diện tích rừng được chính quyền sở tại giao cho các hộ dân rồi sau đó người dân tự bỏ vốn ra trồng rừng thì không xử phạt được. Bởi lẽ người dân được hưởng các sản phẩm do mình làm ra. Nếu nguồn kinh phí do huyện đầu tư thì lực lượng kiểm lâm sẽ xử phạt được người dân vì khi đó là chặt cây rừng của Nhà nước.

"Tuy nhiên, có một nguyên tắc mà trên Sóc Sơn đang có sự hiểu nhầm. Tức là, Nhà nước giao đất cho các tổ chức, cá nhân để sản xuất lâm nghiệp thì anh phải trồng rừng, phải sản xuất lâm nghiệp.

Nếu không trồng rừng nữa thì phải trả cho Nhà nước, không được phép sử dụng trái mục đích. Việc chuyển nhượng đất rừng là bất hợp pháp, chính quyền xác nhận là chính quyền bị xử lý. Người dân chỉ được chuyển nhượng thừa kế tài sản trên đất rừng thôi chứ không được chuyển nhượng đất", ông Tuyên nhấn mạnh.

Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Nội: Chuyển nhượng đất rừng Sóc Sơn là bất hợp pháp - Ảnh 2.

Hiện trạng một góc hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) thuộc phạm vi quy hoạch rừng phòng hộ

NGUYỄN TRƯỜNG

Lợi dụng quy định làm nhà tạm để xây nhà kiên cố

Theo ông Tuyên, tại Quyết định số 2100, rừng phòng hộ có diện tích hơn 4.457 ha, trong đó H.Sóc Sơn quản lý khoảng 2.300 ha, diện tích còn lại do Ban Quản lý rừng phòng hộ (Sở NN-PTNT Hà Nội) quản lý.

Trong 2.300 ha có một phần diện tích được huyện giao cho người dân trồng rừng để làm kinh tế mới. Ở thời điểm đó, thành phố cho phép địa phương giao cho mỗi hộ từ 5.000 - 10.000 m2 để làm kinh tế hộ gia đình như: chăn nuôi, trồng trọt, đào ao thả cá… Những hộ này được cấp mấy trăm mét vuông đất làm nhà tạm để trông coi khu đất đó. Tuy nhiên, có trường hợp đã lợi dụng quy định làm nhà tạm để xây dựng nhà kiên cố.

Về góc độ quản lý, vị Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội khẳng định, tất cả công trình xây dựng trái phép xảy ra trên đất lâm nghiệp ở H.Sóc Sơn đều được kiểm lâm địa bàn lập biên bản. Đồng thời, vi phạm xây dựng công trình ở đất rừng Sóc Sơn có sự gia tăng.

Quá trình thi hành công vụ, có trường hợp khi lực lượng kiểm lâm phát hiện người dân xây dựng trái phép thì họ "không thèm tiếp" vì lý do việc xử lý công trình vi phạm, kiểm tra giấy phép xây dựng không thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm.

Chia sẻ về giải pháp, ông Tuyên cho rằng, H.Sóc Sơn cần phải đẩy nhanh việc rà soát, cắm mốc ranh giới và xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép theo đúng quy định.

"Tại các cuộc họp ở thành phố, tôi đã nêu quan điểm rất rõ rằng, pháp luật nào cũng phải bảo vệ người dân. Nếu đúng nhu cầu thật của người dân thì đương nhiên chính quyền phải giải quyết. Tuy nhiên, phải chứng minh được đúng là nhu cầu thật không, hay đằng sau nhu cầu đó lại là việc khác. Mà chính việc khác mới xảy ra tranh chấp, bê bối ầm ĩ ("xẻ thịt" rừng phòng hộ - PV) mà báo chí quan tâm", ông Tuyên nói.

8 tháng, phát hiện 36 vụ xây dựng trái phép trên đất rừng

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 9.8, H.Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng, trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép, 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép. Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền xã lập biên bản yêu cầu dừng ngay việc san gạt, xây dựng trái phép và báo cáo UBND H.Sóc Sơn chỉ đạo cơ quan chức năng và UBND các xã xử lý theo thẩm quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.