Chỉ đường đi bằng công nghệ 3D

12/03/2011 18:22 GMT+7

Những tân sinh viên ở trường Kỹ thuật máy tính của ĐH Quốc gia Singapore (NUS) hẳn sẽ luôn nhớ hai cựu sinh Việt Nam đã sáng tạo ra thiết bị chỉ đường hiện đại và hữu ích.

Trường Kỹ thuật máy tính (SoC) gồm 2 tòa nhà chính cao 4 và 5 tầng, cộng thêm 4 tầng nữa trong 2 tòa nhà khác. Tổng cộng có khoảng hơn 300 phòng học, giảng đường, phòng các giáo sư… Thiết bị chỉ đường vốn tồn tại nhiều năm ở cửa tòa nhà chính của SoC chỉ cho biết địa chỉ phòng làm việc của các giáo sư và sơ đồ phòng ở mỗi tầng.

Hai anh em sinh đôi Nguyễn Thế Loan, Nguyễn Thế Luân đã quyết tâm "làm một cái gì đó khác biệt" cho dự án tốt nghiệp ĐH tại SoC của mình. Cậu em Thế Luân học ngành hệ thống thông tin chịu trách nhiệm viết phần mềm cho thiết bị. Trong khi đó Thế Loan, học kỹ thuật máy tính 1 năm rồi chuyển sang học lập trình, mày mò, nhặt nhạnh trong phòng thí nghiệm để sáng tạo ra phần cứng, đồng thời vẽ bản đồ 3 chiều (3D) của toàn bộ cơ sở phòng ốc của SoC.


 Tìm đường trên màn hình đa tương tác và bản đồ 3D


Thế Loan (phải) và Thế Luân

Sau 10 tháng "thai nghén", tháng 10.2010, kios chỉ đường của Thế Loan - Thế Luân xuất hiện tại tiền sảnh SoC trước sự trầm trồ của các sinh viên trong trường. Thiết bị này cho phép người sử dụng cùng lúc dùng nhiều ngón tay tương tác trên màn hình 52 inch để ra lệnh tìm đường. Một camera đặt phía sau màn hình sẽ thu nhận lệnh từ các ngón tay và gửi về cho máy tính xử lý. Sau đó, màn hình sẽ hiện lên bản đồ 3D với mũi tên dẫn bạn đi từng bước từ một nơi nào đó đến nơi cần tìm, bên cạnh những dòng chỉ dẫn rẽ phải, rẽ trái, lên cầu thang bộ, thang máy… Màn hình đa tương tác cũng cho phép phóng to, thu nhỏ, kéo rê hình ảnh theo mong muốn.

Để tiết kiệm thời gian và bảo đảm bạn không quên trên đường đi, kios có thể gửi lời chỉ dẫn vào điện thoại di động của bạn. Kios cũng giúp bạn tìm tên các giáo sư và phòng làm việc của họ chỉ bằng một ký tự đầu tiên. Nếu không có cơ hội tương tác trực tiếp với thiết bị, người cần tìm đường cũng có thể vào trang web socdirectory.com để được hướng dẫn bằng chữ và tải bản đồ văn phòng các giáo sư.

Chia sẻ về công trình, Thế Luân cho biết phần mềm viết cho thiết bị sử dụng công nghệ mới nên không tìm được sự hỗ trợ nào trên mạng. Trong khi đó, gánh nặng ở phần cứng không nằm ở công nghệ mà là việc làm sao để ghép các thứ vào với nhau thành một hệ thống vận hành được. "Ở SoC, sinh viên làm dự án tốt nghiệp phần lớn là viết phần mềm. Chưa ai làm phần cứng cả", Thế Loan nói. Loan cũng cho biết mình làm được điều này là nhờ sự hỗ trợ từ phòng thí nghiệm robot của trường cao đẳng nghề Singapore

Polytechnic, nơi Loan làm việc toàn thời gian trong suốt 3 năm rưỡi học ĐH. 

Tự túc và táo bạo

Thế Loan và Thế Luân sinh năm 1985 tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp THCS hai anh em sang Singapore du học tự túc. Chấp nhận học 3 năm để hoàn thiện chương trình PTCS của Singapore tại một trường không mấy danh tiếng, hai anh em cũng táo bạo chọn học cao đẳng nghề ở Singapore Polytechnic (SP) thay thì vào trường THPT, vì "môi trường ở polytechnic giống môi trường đại học hơn".

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.