Thảo luận tại tổ chiều qua về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, nhiều ĐBQH đề nghị chỉ nên để 2 mức tín nhiệm, thay vì 3 mức như quy định.
|
3 mức tín nhiệm là chưa có tiền lệ
|
Phát biểu đầu tiên tại tổ TP.HCM, đại biểu Võ Thị Dung đề nghị chỉ nên để 2 mức tín nhiệm khi sửa Nghị quyết 35 của QH, đó là tín nhiệm và tín nhiệm thấp. “Nên để 2 mức thôi, một là tín nhiệm, còn lại là tín nhiệm thấp, nếu tỷ lệ tín nhiệm đạt dưới 50% thì bỏ phiếu tín nhiệm ngay. Trong nhiệm kỳ chỉ lấy 1 lần thôi, đâu có lần thứ 2, nên phải tính toán lại”, bà Dung nêu ý kiến.
Đã từng nhiều lần đề nghị chỉ để 2 mức tín nhiệm khi thảo luận về Nghị quyết 35, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) vẫn kiên trì đề nghị 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. “Tôi cố nhớ tất cả các hoạt động lấy phiếu về tín nhiệm trước đây thì chưa có quy định về lấy phiếu nào mà có 3 mức cả. Kể cả lấy phiếu để xem xét tín nhiệm trước khi làm quy trình chính thức về cán bộ cũng chỉ có 2 mức. Tự nhiên bây giờ QH đề ra 3 mức, thực sự chưa ở đâu có”, bà Tâm băn khoăn.
Điều mà ĐB này lo lắng là khi về tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, sẽ rất khó cho ĐB khi bà con hỏi căn cứ vào cái gì để đánh giá chức danh được lấy phiếu là tín nhiệm cao hay thấp, nếu để 3 mức tín nhiệm. “Tôi không giải thích được thắc mắc của cử tri. Cách giải thích 3 mức tín nhiệm như chị Nương trình bày (Trưởng ban Công tác ĐB Nguyễn Thị Nương đọc tờ trình sửa đổi nghị quyết tại phiên họp sáng qua - PV) không thuyết phục. Phải làm lại nội dung này, giải thích cho thuyết phục hơn, khoa học hơn, logic hơn, một cách khách quan”, bà Tâm kiến nghị.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cũng cho rằng, tiếp thu như ban soạn thảo là “không thỏa đáng”. “Nếu sửa Nghị quyết 35 như thế này thì thôi khỏi sửa, vì cái chính mà ĐB, cử tri băn khoăn là ở quy định 3 mức tín nhiệm. Nếu không sửa quy định đó thì chả khác nào như cũ, thậm chí tệ hơn”, ĐB Minh nói thẳng và đề nghị lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH về việc nên để 2 hay 3 mức tín nhiệm trước khi tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết.
|
Nên có bỏ phiếu bất tín nhiệm
Theo quy định của dự thảo nghị quyết, người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa nhưng chưa đến 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH, thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo. Người có từ 2/3 tổng số ĐB trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì các cơ quan nêu trên phải trình bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Cho rằng quy định như dự thảo luật còn phức tạp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, nếu ai có tỷ lệ quá 50% tín nhiệm thấp thì sẽ đưa bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó, bỏ phiếu xong làm thủ tục miễn chức vụ. “Theo tôi cứ quá bán nên từ chức, còn không từ chức thì bỏ phiếu tín nhiệm luôn. Còn anh mà không từ chức thì cũng chẳng có ai ủng hộ nữa. Khi bỏ phiếu chắc cũng bị thay thế thôi. Làm như vậy đơn giản và nhẹ nhàng hơn”, ông Hùng nêu quan điểm.
Theo ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam), không nên chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong cả nhiệm kỳ như dự thảo nghị quyết sửa đổi, mà nên lấy 2 lần trong một nhiệm kỳ, vào kỳ họp cuối năm thứ 2 và kỳ họp cuối năm cuối cùng của nhiệm kỳ. “Như kỳ họp thứ 5 vừa rồi được lấy phiếu, đến nay một số vị bộ trưởng phiếu tín nhiệm thấp đã thay đổi. Trong lĩnh vực ngân hàng và giao thông vận tải có chuyển biến, hiệu quả hơn. Vì họ thấy khuyết điểm của mình và sửa chữa”, ông Dân dẫn chứng.
Ủng hộ quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nói thẳng: Nếu quy định 3 mức đánh giá tín nhiệm mà giữa nhiệm kỳ chỉ làm một lần thì không ổn. “Nếu một chức danh làm trong một năm có năng lực hay không biết ngay. Ở các nước, tổng thống chỉ cần 100 ngày thôi đã biết, bộ trưởng cũng chỉ cần 6 tháng. Một năm rồi mà không thể hiện năng lực nữa thì giữa nhiệm kỳ lấy phiếu chỉ cho vui thôi”, ông Lịch nhận xét.
4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết QH đã chốt danh sách 4 vị Bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, gồm Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Phiên chất vấn sẽ diễn ra bắt đầu từ thứ ba tuần tới. Bộ trưởng Y tế nhận được nhiều câu hỏi nhưng không nằm trong danh sách chất vấn lần này. Lý do được ông Phúc lý giải: Trước kỳ họp này, tại phiên họp 26, Bộ trưởng Y tế đã trả lời chất vấn Ủy ban TVQH. Bảo Cầm |
Bảo Cầm - Anh Vũ
>> Nếu dừng hẳn lấy phiếu tín nhiệm là một bước lùi
>> Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt
>> Sẽ sửa quy định về lấy phiếu tín nhiệm
>> Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm tới các giám đốc sở
>> Lấy phiếu tín nhiệm: Đề nghị chỉ nên để 2 mức
>> Cần cụ thể việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
Bình luận (0)