Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết sắp tới lãnh đạo bộ này sẽ làm việc trực tiếp với một số địa phương, phối hợp để có biện pháp mạnh mẽ hơn chấn chỉnh các vi phạm về thu chi trong nhà trường.
Nỗi lo ngại của các phụ huynh trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học là phải đóng quá nhiều khoản phí - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Bà Nghĩa cũng cho rằng nếu chỉ phê bình rút kinh nghiệm thì sẽ không chấm dứt được lạm thu.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa |
Bà Nghĩa cũng cho rằng mới đây lãnh đạo Bộ đã có cuộc họp với các cục, vụ liên quan để chỉ đạo thực hiện các giải pháp, chủ động phối hợp với sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố; đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương vào cuộc chỉ đạo quyết liệt hơn để giải quyết tình trạng này. Đây là vấn đề năm nào cũng xử lý, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Ở một số trường học vẫn thu các khoản ngoài quy định, sai quy trình, mặc dù hệ thống văn bản chỉ đạo hướng dẫn khá đầy đủ, ngành giáo dục vẫn thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải phối hợp tốt hơn với các địa phương, chỉ đạo các trường thực hiện các khoản thu đúng quy định, tránh gây ra những bức xúc cho phụ huynh học sinh và người dân. Đồng thời, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình làm sai.
|
Lắm nguyên nhân gây lạm thu
* Theo bà thì vì sao vẫn không thể chấm dứt được tình trạng lạm thu, dù Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn?
- Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là hiện nay ngân sách của các nhà trường được cấp chưa đủ cho các chi tiêu trong trường, trong khi nhu cầu của xã hội về điều kiện dạy học ngày càng cao. Thực tế, trong tổng chi thường xuyên cho giáo dục, chi lương là chủ yếu, phần chi cho hoạt động bình quân chung khoảng 15%, có nơi thấp hơn. Một số trường mầm non, phổ thông không đủ ngân sách để chi trả tiền điện, tiền thông tin liên lạc... Bên cạnh đó, cũng có nơi, một bộ phận phụ huynh có điều kiện, mong muốn con em mình được học tập trong điều kiện tốt hơn, muốn trang bị thêm máy điều hòa, máy chiếu, các trang thiết bị hiện đại đắt tiền như bảng thông minh, máy tính… cho nhà trường. Nhưng đó chưa phải là nhu cầu của đa số, nhiều trường không có sự khảo sát, xem xét, đã áp đặt cho tất cả, tạo nên bức xúc.
Nhưng cũng có những trường cố tình vi phạm thu chi, không chỉ thu để phục vụ những lợi ích thiết thực trong hoạt động dạy học mà còn thu để chi vượt quá khả năng đóng góp và nhu cầu của đa số phụ huynh học sinh, không thiết thực, thậm chí có nơi gây lãng phí.
Một nguyên nhân nữa, theo tôi là phụ huynh chưa nhận thức được một cách đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình khi tham gia phối hợp với nhà trường trong việc tạo điều kiện học tập tốt hơn cho con em mình. Một số phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt hơn đã tham gia vào ban đại diện cha mẹ học sinh, khi vận động quyên góp đã không quan tâm đầy đủ đến nguyện vọng và điều kiện của các phụ huynh khác, mà làm theo ý mình và đó không phải là nguyện vọng của tất cả phụ huynh.
Tăng cường xử lý
* Dù có nhiều vi phạm nhưng rất ít trường hợp bị xử lý kỷ luật, theo bà, đây có phải là một nguyên nhân không thể nào dứt điểm tình trạng lạm thu?
- Các sở GD-ĐT cũng rất nỗ lực chấn chỉnh tình trạng lạm thu nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Đúng là nếu cứ mãi phê bình, rút kinh nghiệm thì chưa giải quyết được vấn đề.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương, tăng cường nắm bắt thông tin, thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với báo chí để tuyên truyền, nhân rộng những đơn vị, địa phương thực hiện tốt, đồng thời công bố rộng rãi kết quả xử lý các đơn vị, cá nhân sai phạm trong việc thu chi trong nhà trường.
Bình luận (0)