UBND TP.HCM vừa đề nghị Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương cho phép xác định chi phí quản lý dự án tuyến metro số 1 và metro số 2 bằng phương pháp lập dự toán, đồng thời hướng dẫn phương pháp lập dự toán.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị cho phép chi phí quản lý dự án vượt quá 2,5 lần mức chi phí tính theo định mức công bố tại Quyết định 79 năm 2017 của Bộ Xây dựng và tổng chi phí gồm quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác vượt quá 15% tổng chi phí xây dựng và chi phí thiết bị của dự án.
Sở dĩ UBND TP.HCM đưa ra đề xuất này do quá trình thực hiện dự án kéo dài (tuyến metro số 1 kéo dài đến cuối năm 2021, còn tuyến metro số 2 kéo dài đến năm 2026), chi phí quản lý dự án tính theo phương pháp tỷ lệ % do Bộ Xây dựng công bố không đủ kinh phí cho hoạt động quản lý dự án của chủ đầu tư.
Trên thực tế, từ tháng 4.2013 đến tháng 12.2019, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã tạm ứng từ ngân sách thành phố hơn 235 tỉ đồng để chi trả lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức nhằm duy trì hoạt động của đơn vị.
|
Tuy nhiên, theo dự toán của đơn vị này trên cơ sở thời gian hoạt động của dự án cũng như cơ cấu nhân sự, chi phí quản lý dự án của tuyến metro số 1 hơn 168 tỉ đồng còn tuyến metro số 2 gần 303 tỉ đồng. So với định mức xác định theo tỉ lệ % thì chi phí quản lý dự án tuyến metro số 1 vượt 2,1 lần còn tuyến metro số 2 vượt 4,1 lần.
Theo UBND TP.HCM, metro số 1 và metro số 2 là hai dự án đầu tiên của thành phố trong lĩnh vực đường sắt đô thị cũng như là hai trong số các dự án đầu tiên của cả nước trong lĩnh vực đường sắt đô thị xây dựng ngầm với các công nghệ tiên tiến và phức tạp.
Ngoài ra, quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án tại khu vực đông dân cư rất phức tạp, tuyến metro số 1 kéo dài từ năm 2007 đến năm 2012 mới khởi công gói thầu chính, còn tuyến metro số 2 cũng kéo dài tư năm 2010 đến năm 2020 mới bắt đầu công tác đền bù giải phóng mặt bằng các nhà ga gọc tuyến.
Một lý do khác mà UBND TP.HCM đưa ra là phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật Việt Nam, cũng như hài hòa quy định của bên cho vay vốn ODA trong công tác quản lý dự án như thi công, quản lý chi phí, đảm bảo chất lượng công trình…
UBND TP.HCM phân tích việc xác định chi phí quản lý dự án theo phương pháp lập dự toán là có cơ sở để xem xét và thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng nhằm đảm bảo hoạt động của dự án, cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn giỏi trong lĩnh vực đường sắt đô thị.
Bình luận (0)