Báo cáo của Tổng cục Thống kê sáng nay cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng đã và đang có xu hướng tăng mạnh trở lại và gây áp lực không nhỏ lên lạm phát.
"Đô" Mỹ và vàng đang trên đà tăng giá - Ảnh: Ngọc Thắng |
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,33% so với tháng trước; so với cuối tháng 12.2015, chỉ số này đã tăng 1,33%.
Trong tháng, hai mặt hàng tăng giá mạnh nhất là xăng và thép. Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, giá xăng tăng 1.190 đồng/lít, dầu diesel tăng 290 đồng/lít vào các ngày 21.3.2016 và ngày 5.4.2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 3,83% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,16%.
Trong khi đó, theo quyết định số 862/QĐ-BCT ngày 7.3.2016 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu, giá bán thép trong nước được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng từ 1.000 - 1.600 đồng/kg. Giá thép tăng khiến vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,64%.
Ở chiều ngược lại, tháng 4 nguyên nhân làm giảm CPI chủ yếu ở giá thực phẩm tươi sống giảm do giá các mặt hàng này vẫn đang trong chu kỳ trở về mặt bằng giá trước Tết Nguyên Đán nên chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 0,27%;
Vẫn theo báo cáo trên, chỉ số giá vàng tăng 0,3% so với tháng trước. Nguyên nhân giá vàng trong nước sau khi tăng cao ở tháng trước theo giá vàng thế giới, tháng này giá vàng trong nước cũng lên xuống theo giá vàng thế giới và biến động theo giá đồng USD và giá dầu thế giới, bình quân tháng 4 giá vàng trong nước chỉ tăng nhẹ. Hiện tại giá vàng trong trong nước thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng khác hẳn với xu hướng của giá vàng những năm trước thường cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới.
Còn giá đô la Mỹ khá ổn định do nguồn đô la tại các ngân hàng khá dồi dào được bù đắp từ giải ngân đầu tư và kiều hối gửi về cuối năm, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở mức 22.300-22.400 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng nhẹ 0,05%.
Bình luận (0)