Theo thông tin Tổng cục Thống kê (Bộ KH - ĐT) công bố ngày 6.11, trong tháng 10, CPI tăng 0,33% so với tháng trước. Nguyên nhân chính được chỉ ra là bởi giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng do ảnh hưởng bởi mưa bão, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng.
Trong 10 tháng năm 2024, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,25% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, ngược với năm 2023, CPI 5 tháng năm 2024 có xu hướng tăng cao dần, từ mức 3,37% của tháng 1 lên mức cao nhất 4,44% vào tháng 5. Từ tháng 6 đến nay, mức tăng CPI có xu hướng giảm dần, từ mức tăng 4,34% của tháng 6 xuống còn tăng 2,89% vào tháng 10.
Tính chung 10 tháng năm nay, CPI tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá khi giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, thiên tai bão lũ và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, tết cùng với giá thịt lợn tăng.
Cạnh đó, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng; giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế và bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở.
Lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%).
Nguyên nhân chủ yếu được Tổng cục Thống kê nhìn nhận là do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tổng cục Thống kê thông tin thêm, tháng 10, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 27.10, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.693,44 USD/ounce, tăng 4% so với tháng 9 do tình hình căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, xung đột kéo dài giữa Nga - Ukraine và những biến động ở bán đảo Triều Tiên đã làm gia tăng lo ngại về bất ổn chính trị toàn cầu.
Cùng đó, việc các ngân hàng T.Ư lớn như Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ đã góp phần thúc đẩy đà tăng của giá vàng.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 10 tăng 5,96% so với tháng trước; tăng 29,97% so với tháng 12.2023; tăng 38,88% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 27,48%.
Bình luận (0)