Trong khi đó, cáo trạng lại “bỏ lọt” chi tiết đắt giá này. Và để rộng đường dư luận, ngày 22.5, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với bà Thái Thị Thúy Ngần, Phó viện trưởng Viện KSND TP.Biên Hòa, người ký cáo trạng truy tố vụ án Giang '36' vây nhốt xe chở công an, để làm rõ vấn đề này.
Vây nhốt xe chở cảnh sát
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 13 giờ ngày 12.6.2019, Nguyễn Tấn Lương (38 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) và Lê Vũ Trường Hải (45 tuổi, ngụ Đắk Lắk) cùng một số người quen ăn nhậu tại phòng VIP 8 nhà hàng Lam Viên (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa).
Thời điểm này, tại phòng VIP 2 có ông Phạm Văn Hiền (35 tuổi, ngụ H.Định Quán, Đồng Nai), đại tá Huỳnh Bảo Hùng (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát PCCC), trung tá Nguyễn Quang Trường (Đội phó Đội cảnh sát 113) và trung tá Đinh Tú Anh (Đội trưởng Đội cảnh sát trật tự - Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai; mặc thường phục).
Do mâu thuẫn trong lúc nhậu nên 2 nhóm này xảy ra xô xát. Sau đó, Nguyễn Tấn Lương điện thoại cho Ngô Đình Giang (tức Giang '36', 34 tuổi, ngụ Đồng Nai) đến giải quyết. Và Giang đã gọi cho đàn em đến hỗ trợ.
|
Về phía ông Hiền, sau khi xảy ra xô xát, ông Hiền đã cùng ông Trường, ông Tú Anh và ông Hùng lên ô tô 4 chỗ BS 60A - 131.26 định rời khỏi quán thì bị Lương và một số người (chưa rõ lai lịch) chặn lại, yêu cầu xuống xe. Cùng lúc, Giang “36” cũng đến nơi, tiếp tục hăm dọa. Thấy vậy, ông Trường gọi điện thoại cho Cảnh sát 113 đề nghị can thiệp.
Lúc 13 giờ 50 ngày 12.6.2019, lực lượng Cảnh sát 113 gồm 5 người do thiếu tá Nguyễn Tấn Hùng (Đội Cảnh sát 113 thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đồng Nai) làm tổ trưởng đến hiện trường, nhóm Giang “36” đứng dạt ra 2 bên nên ông Tú Anh điều khiển xe rời khỏi quán.
Thấy vậy, Giang “36” hô hào cả nhóm đuổi theo chặn lại, đồng thời dọa đánh, dọa giết những người ngồi trong xe, gây náo loạn đường phố. Đến khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, Công an TP.Biên Hòa phải tăng cường lực lượng, điều động xe cẩu đến giải quyết thì nhóm Giang “36” mới giải tán.
|
Chưa chứng minh được tội phạm
Theo kết luận điều tra, vào thời điểm Cảnh sát 113 xuất hiện tại hiện trường trấn áp Nguyễn Tấn Lương, Giang “36” cùng đồng bọn thì Lương điện thoại cho bà N.T H, vợ của một cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (thời điểm này đang đương chức - PV) nhằm răn đe phản ứng của lực lượng công an có mặt tại hiện trường.
“Nguyễn Tấn Lương gọi điện cho bà H., vợ đồng chí M., nguyên giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai và mở loa ngoài mục đích các lực lượng công an giải quyết tại hiện trường nghe làm giảm tinh thần trấn áp tội phạm. Đồng thời tiếp sức cho Nguyễn Tấn Lương cùng đồng bọn thực hiện hành vi phạm tội gây ách tắc giao thông kéo dài, ảnh hưởng tình hình chung của địa phương”, kết luận điều tra của Công an TP.Biên Hòa nêu.
|
Vì sao cáo trạng lại “bỏ lọt” chi tiết này? Bà Thái Thị Thúy Ngần, Phó viện trưởng Viện KSND TP.Biên Hòa, lý giải: “Đúng là kết luận điều tra có chi tiết này (Lương gọi điện thoại cho bà H. và mở loa ngoài cho cảnh sát 113 nghe - PV) nhưng căn cứ để chứng minh bà H. có vi phạm pháp luật hay không, tiếp tay hay không thì họ (công an - PV) không chứng minh được. Nếu chứng minh được thì họ phải khởi tố".
"Thực tế, CQĐT có triệu tập bà H. lên lấy lời khai nhưng bà này có thừa nhận đâu. Nói tóm lại là không có chứng cứ chứng minh đồng phạm với các bị cáo khác”, Phó viện trưởng Viện KSND TP.Biên Hòa cho biết thêm.
|
Bà Ngần cũng cho hay khi nhận được kết luận điều tra có chi tiết này, bà đã kêu ông Tiến (thượng tá Phạm Hoàng Tiến, Phó trưởng Phụ trách Công an TP Biên Hòa - PV) hỏi có gì chứng minh nội dung này thì ông Tiến đưa ra lời khai. Tuy nhiên, khi đọc hết lời khai thì không có gì chứng minh được hành vi nào của bà H. là vi phạm.
“Viện KSND truy tố, xử lý ai phải căn cứ các tài liệu chứng cứ chứ không căn cứ vào nội dung trong bản kết luận điều tra”, bà Ngần nói. (còn tiếp)
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 18.5, khi chủ tọa thẩm vấn về trách nhiệm của Nguyễn Tấn Lương khi xúi giục người khác gây rối dẫn đến ùn tắc giao thông, bị cáo Nguyễn Tấn Lương cho rằng: “Trách nhiệm này phải thuộc về Cảnh sát 113. Họ không giải quyết đúng trách nhiệm của mình. Nếu họ làm đúng thì không xảy ra vụ gây rối”.
TAND TP.Biên Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Tấn Lương, Ngô Đình Giang, mỗi bị cáo 4 năm tù; Nguyễn Duy Kỷ (31 tuổi) 3 năm 6 tháng tù (trước đó Kỷ còn bị TAND TP.Biên Hòa tuyên 3 năm 6 tháng tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tổng hợp hình phạt 7 năm tù); Mai Văn Căn (30 tuổi) và Nguyễn Văn Sơn (30 tuổi, cùng ngụ TP.Biên Hòa), mỗi bị cáo 2 năm 6 tháng tù cùng về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
|
Bình luận (0)