Chi tiêu tết tăng, thuế 'ngó lơ'

09/01/2023 06:10 GMT+7

Người lao động trông chờ khoản thưởng cuối năm để trang trải hàng loạt chi phí cần thiết khi Tết Quý Mão 2023 đang đến rất gần, nhưng bỗng hụt hẫng khi bị khấu trừ ngay một khoản thuế.

Có tháng lương 13 nên phải đóng thuế

Nhiều trường hợp cuối năm khi Tết âm lịch đang cận kề nhưng khiến nhiều người làm công ăn lương không vui dù có được thêm tiền lương, thưởng. Chị Hồng Nga (Q.Bình Tân, TP.HCM) “than” rằng cả hai vợ chồng cùng làm công nhân, bình thường dù có tăng ca thì thu nhập của hai người vẫn chưa đến mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cuối tháng 12.2022, công ty thông báo chi thêm lương tháng 13 và phụ cấp thêm một ít để đón tết. Nhưng khi nhận tiền thì mỗi người bị trừ đi gần 1 triệu đồng và được kế toán giải thích là khấu trừ thuế TNCN do cộng dồn 2 tháng lương cùng phụ cấp.

“Hai triệu đồng là một khoản đáng kể, nhất là vào dịp tết với đủ thứ cần phải lo. Chẳng hạn nếu không bị trừ thuế thì có thể thêm tiền đó để mua chút quà về quê biếu ông bà. Giờ tôi lại phải tính toán cắt chỗ nọ, bớt chỗ kia để có một cái tết sum họp cùng gia đình”, chị Nga thở dài.

Cần sớm sửa đổi các quy định về thuế thu nhập cá nhân vì không hợp lý

Đào Ngọc Thạch

Chị Ngọc Trang (Q.10, TP.HCM) cũng lo bạc mặt vì 3 năm dịch bệnh, cả nhà chưa về quê ăn tết. Năm nay chị quyết định mua vé máy bay cho 4 người để về quê chồng gần Hà Nội. Chị đã canh mua vé từ tháng 11.2022 của hãng bay giá rẻ và tổng cộng cũng mất hết gần 32 triệu đồng tiền vé đi lại hai chiều. Thưởng tết là khoản chị mong ngóng nhất để bù đắp cho các khoản chi phí tăng vọt dịp tết đến xuân về. Nhưng mong bao nhiêu thì chị hụt hẫng bấy nhiêu khi tiền thưởng Tết âm lịch năm nay bị giảm so với năm trước vì kết quả kinh doanh công ty không tốt. Đặc biệt, tiền thưởng tết cũng bị trừ ngay số thuế TNCN lên đến 20% (tương ứng thuế suất thuế TNCN trong năm chị phải đóng).

“Đáng nói là trong khi mình cũng phải nộp thuế không sót đồng nào nhưng các chi phí khác đều phải tự lo như tiền vé máy bay. Trong khi ông chuyên gia người nước ngoài đến tết Tây về nước ăn tết cùng gia đình hay nghỉ phép mỗi năm một lần sẽ được công ty chi trả vé máy bay khứ hồi. Phải cho người lao động khấu trừ các chi phí hợp lý này vào thu nhập trước khi tính thuế mới hợp lý”, chị Ngọc Trang chia sẻ thêm.

Nhắc đến thưởng tết, anh Nguyễn Đạt (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng ngậm ngùi. Cách đây 2 năm, anh vay tiền ngân hàng (NH) mua nhà trả góp. Trong 2 năm đầu, tiền trả gốc và lãi NH vào khoảng 15,5 triệu đồng/tháng. Nay NH vừa thông báo tăng lãi suất từ 8,8%/năm lên 14,5%/năm nên số tiền góp tăng thêm hơn 2 triệu đồng/tháng dù tiền gốc đã trả hơn 200 triệu đồng. Anh Đạt dự kiến dùng một phần tiền thưởng cuối năm để trả bớt nợ NH nhằm giảm phần lãi, nhưng sau khi trừ thuế TNCN thì tiền thưởng còn lại không bao nhiêu.

“Tiền góp NH không được trừ khi tính thuế thu nhập hằng tháng. Đến khi mua được nhà và nếu có bán thì tính thuế thu nhập chuyển nhượng bất động sản 2%. Tôi không rành về thuế nhưng thấy có gì đó sai sai ở đây, không biết có đánh thuế hai lần hay không. Ngoài ra, nhận tiền thưởng nhiều mà đóng thuế tăng lên cũng kém vui, đặc biệt thời điểm giáp tết chi phí tăng lên nhiều”, anh Đạt cho hay.

Chị Lê Hân (Q.8, TP.HCM) cũng nặng lòng chia sẻ, thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng đủ để chi tiêu sinh hoạt như tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe, ăn uống, quần áo… Đến cuối năm chị Hân chỉ trông chờ vào tiền thưởng tết để trả tiền nợ đã mượn trước đó của gia đình cũng như chi tiêu phát sinh tăng gấp đôi. Nhưng chị nhớ bài học kinh nghiệm sâu sắc dịp chi tiêu tết, bởi năm trước khi nhận được tiền lương, thưởng tết gần 40 triệu đồng, chị mừng quá mua sắm mạnh tay hơn chút. Ai dè mấy tháng sau, công ty báo tiền thuế TNCN vẫn còn nợ đến 4 triệu đồng, trừ dần cho những tháng sau nên sau đó chị phải tiết kiệm bù lại. Vì vậy, năm nay chị Hân không quá hào hứng chờ tiền thưởng tết vì “thưởng ít thì chán nhưng thưởng nhiều mà đóng thuế cao thì cũng không vui chút nào…”.

Cần chỉnh sửa nhanh quy định về thuế TNCN

Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty thuế Sài Gòn, cho rằng người dân đi làm xa thường có nhu cầu về quê ăn Tết Nguyên đán để sum họp gia đình sau một năm đi xa. Nghỉ tết năm nay dài ngày nên nhu cầu về quê sẽ tăng cao. Dịp này, nhiều cá nhân và gia đình phát sinh chi phí mua sắm chi tiêu khá lớn, nhất là chi phí tàu xe đi lại. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân nói chung cũng như người nộp thuế nói riêng. Do đó, luật thuế TNCN cần sớm bổ sung cho phép người nộp thuế được trừ các chi phí hợp lý chi tiêu cho cuộc sống như vé máy bay, tiền trả góp tiền nhà… nhằm chia sẻ bớt những khó khăn và nuôi dưỡng nguồn thu.

Cần sửa đổi luật thuế TNCN theo hướng xác định mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lẫn người phụ thuộc phù hợp để người làm công ăn lương đảm bảo được đời sống và vẫn còn tích lũy từ thu nhập để chi tiêu cho các trường hợp học hành, ốm đau. Đồng thời giảm, giãn các bậc thuế suất trong biểu thuế hiện nay vì quá nhiều và khá cao so với thu nhập chung của người dân.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá các quy định về thuế TNCN hiện nay đã quá lạc hậu khi nền kinh tế của VN liên tục tăng trưởng và kèm theo đó là giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến người nộp thuế cần tốn nhiều chi phí hơn để trang trải cuộc sống. Chẳng hạn một bó rau tại Hà Nội cách nay 9 - 10 năm chỉ khoảng 2.000 đồng thì nay là 10.000 - 12.000 đồng, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong cùng giai đoạn. Ngay cả chỉ số CPI công bố chưa phản ánh hết mức tăng giá những mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng trăm chi phí thiết yếu của người dân hiện nay. Vì vậy, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng đã được điều chỉnh cách đây hơn 2 năm cũng không theo kịp thực tế đời sống. Hay như có rất nhiều quy định đang bất hợp lý như trong đầu tư chứng khoán, bất động sản dù bị thua lỗ vẫn phải nộp thuế TNCN. Rồi người mua vé số may mắn trúng vài tỉ đến vài trăm tỉ đồng cũng chỉ nộp thuế TNCN mức 10%; còn người lao động, làm công ăn lương, mức thuế TNCN cao nhất lên tới 35%. Đồng thời, việc áp dụng chung mang tính cào bằng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc trên cả nước là cũng chưa hợp lý khi mức chi tiêu cần thiết ở các thành phố lớn sẽ nhiều hơn các vùng xa.

“Bộ Tài chính cần sớm rà soát các bất cập trong luật thuế này để đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi càng sớm càng tốt. Điều này mới khuyến khích người lao động nói chung cũng như người nộp thuế gia tăng sáng tạo để tăng thu nhập cũng như tuân thủ đúng quy định nộp thuế”, ông Long nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.