PV Thanh Niên đã phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển (ảnh) về vấn đề này.
* Những con số về thu chi ngân sách được đưa ra thời gian gần đây cũng như mức bội chi cao tới 6,9% GDP trong năm 2009 đã dấy lên mối lo ngại trong dư luận xã hội và cả với các ĐB QH. Theo ông thì vấn đề sử dụng ngân sách hiện nay nổi lên điều gì đáng quan tâm, lo ngại nhất?
- Những vấn đề bất cập đặt ra trong chấp hành dự toán ngân sách có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ Luật Ngân sách của chúng ta vốn thực hiện kép, vừa là ngân sách trung ương vừa thực hiện ngân sách của địa phương. Điều này dẫn tới thực trạng ngân sách trung ương phần lớn là bội chi nhưng ngân sách địa phương thì lại bội thu, có kết dư hoặc là chuyển nguồn lớn.
Trong quá trình xây dựng dự toán cũng xảy ra vấn đề bất cập, có tình trạng các địa phương luôn luôn có tâm lý xây dựng dự toán ngân sách làm sao mà thu ở mức có thể chấp nhận được, thế nhưng chi có thể xây dựng ở mức vượt quá thực tế để mục tiêu chính làm sao tăng được trợ cấp của trung ương với địa phương, cho nên xảy ra chuyện có sự giằng xé giữa lợi ích của trung ương với địa phương về phân giao nhiệm vụ. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng xây dựng dự toán của chúng ta trong năm vừa rồi bị hạn chế rất nhiều…
* Việc tăng bội chi ngân sách để đảm bảo ổn định tăng trưởng, thực thi chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh suy thoái kinh tế đúng là cần thiết, nhưng theo ông thì việc sử dụng khoản ngân sách tăng thêm đó có đem lại hiệu quả thực sự hay không?
- Cũng phải nói thẳng ra là bội chi ngân sách của chúng ta giai đoạn qua là bội chi về mặt cơ cấu, tức là chúng ta đặt ra rất nhiều mục tiêu phải chi tiêu nhưng không đặt ra trình tự ưu tiên nên tất yếu sẽ bị sức ép. Vì vậy mới đặt ra mục tiêu giảm bội chi những năm tới vì tăng thu bây giờ cũng khó, do sức ép gánh nặng thuế không thể tăng lên được khi nền kinh tế chỉ chịu đựng được đến thế thôi, vì vậy, chúng ta phải làm sao cơ cấu lại chi tiêu, đầu tư xây dựng cơ bản thế nào cho hợp lý, có trình tự mục tiêu ưu tiên, thậm chí có những cái chúng ta đầu tư để tạo ra nguồn thu hoặc phát triển kinh tế trong tương lai, thì phải đầu tư cái đó.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho thấy, trong điều kiện thực hiện nghị quyết của QH về tiết kiệm chi thường xuyên nhưng tại một số địa phương, tình trạng chi thường xuyên vượt dự toán có xu hướng gia tăng, trong 36/37 địa phương được kiểm toán đều có mức chi vượt dự toán tương đối lớn, 9/37 địa phương có mức vượt trên 30% dự toán HĐND giao (Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Nghệ An, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn, TP Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi). Số liệu chi quản lý hành chính tại các địa phương vượt cao đến 26,3% dự toán. |
* Trong báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước 2008 cũng như tình hình thu chi ngân sách 2009, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá tình trạng chi tiêu vượt dự toán ở các địa phương là khá phổ biến, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản còn manh mún, lãng phí, sai mục đích. Làm sao để chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?
- Thực ra thì đang có hiện tượng như thế, số lượng dự án ở các địa phương tương đối nhiều, dự án thi công kéo dài cũng nhiều, dở dang cũng nhiều, đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm… cho nên hiện nay, quan trọng nhất là chúng ta phải tập trung các nguồn tăng thu để bố trí một cách hợp lý nhất cho đầu tư các công trình đem lại hiệu quả kinh tế cao hoặc ưu tiên vốn cho các công trình sắp hoàn thành đang chờ vốn.
Việc thực hiện Luật Ngân sách của ta hiện nay vốn là ngân sách kép. QH còn quyết định cả phần ngân sách địa phương. Theo tôi nên sửa Luật Ngân sách theo hướng: sau này QH chỉ quyết ngân sách trung ương thôi, còn ngân sách địa phương là việc của các địa phương, như thế nó sát hơn.
* Ngoài giải pháp căn cơ sửa Luật ngân sách, theo ông thì cần có chế tài xử lý trách nhiệm lãnh đạo bộ, ngành địa phương như thế nào khi để xảy ra sai phạm trong chi ngân sách hiện nay, bởi dù có sửa luật mà không có chế tài răn đe thì tình trạng vi phạm cũng khó mà tránh khỏi?
- Thực ra trong Luật Ngân sách đã quy định những điều cấm rồi nhưng chúng ta phải nhớ ở đây là địa phương chi vượt dự toán đối với dự toán của QH, nhưng đối với HĐND thì lại có dự toán khác. Phần lớn các địa phương đều có dự toán, ví dụ như cấp tỉnh thì có dự toán thu và chi, mà thu và chi đó đều cao hơn mức giao của QH, đến cấp huyện người ta cũng lại có một dự toán của cấp huyện, nó lại cao hơn mức cấp tỉnh giao, cấp xã cũng tương tự, cuối cùng cộng lại vẫn vượt chỉ tiêu QH giao.
Tới đây khi sửa Luật Ngân sách, chúng ta phải đảm bảo một nguyên tắc là phải chấp hành nghiêm dự toán. Nếu có tăng thu thì anh cũng phải xử lý tăng thu đó theo đúng luật, có trình tự ưu tiên như giảm bội chi ngân sách, tăng cường trả nợ, đầu tư xây dựng cơ bản hợp lý và nếu xong hết rồi thì chuyển sang dự trữ tài chính. Chúng ta không được chi cho những việc khác. Đấy là một nguyên tắc phải đặt ra. Thứ hai là dự toán chi, thì dự toán thế nào anh phải chi thế. Anh nào quyết định chi vượt dự toán phải chịu trách nhiệm.
Nguyệt Minh (thực hiện)
Bình luận (0)